Giãn cách xã hội thì đọc gì?

Hôm nay đã được một tuần từ ngày Sài Gòn lên chỉ thị 16, cũng là tròn sáu tuần mình tự cách ly ở nhà.

Vốn là một người hướng nội, việc ở nhà với mình cũng không đến nỗi quá tệ. Điều bận lòng duy nhất có lẽ là nỗi nhớ da diết những chuyến đi, mà trước dịch mình đã cố gắng kỷ luật mỗi tháng đều đi một lần, vì sợ không biết khi nào thì lại không được đi nữa, như lúc này!

Chỉ thị 16, tuy vậy, không thể phong tỏa luôn tâm trí của chúng ta. Mỗi người sẽ có một cách khác nhau vượt qua giai đoạn này, để duy trì và cân bằng cuộc sống, mà một trong những cách cổ điển nhất mình muốn chia sẻ ở đây chính là đọc sách!

Hôm nay mình lựa ra 5 cuốn sách, đại diện cho 5 hành trình tâm trí mà mình trải nghiệm khi ở nhà. Mọi người có thể không thích đọc sách, cũng có thể không thích những hành trình này, nhưng hy vọng chia sẻ của mình sẽ tạo được cảm hứng để mọi người tìm thấy hành trình phù hợp!

Cuốn thứ nhất: Khoa học về Yoga – Ann Swanson

Bạn có thể thích đọc sách, hoặc không; cũng có thể thích Yoga, hoặc không; nhưng quan trọng là luôn có cách để ta vận động mỗi ngày. Đừng quên vận động và tập luyện chính là điều quan trọng nhất cần phải duy trì trong những ngày tháng lockdown.

Với mình thì mình tập Yoga!

Mình chọn đọc cuốn sách này, trước hết vì nó đẹp! Một cuốn sách không chỉ ngập trong chữ và lý thuyết, mà mọi trang đều là hình vẽ các tư thế Yoga cơ bản với chi tiết về giải phẫu cơ thể người.

Hình thức của cuốn sách gợi nhớ đến những cuốn tập ghi chép môn Sinh Học đầy hình vẽ thời trung học, nhưng ở một cấp độ mỹ thuật chi tiết hơn rất nhiều. Nhìn cái bìa, đại khái mọi người cũng tưởng tượng được bên trong trông như thế nào.

Kèm theo từng hình ảnh là chú thích chi tiết, khoa học về các cơ quan và cơ chế kích hoạt của tư thế Yoga lên cơ quan đó. Nhờ vậy, mình có thể dễ dàng chọn ra tư thế phù hợp để luyện tập, và điều chỉnh sao cho đạt hiệu quả cao nhất tương ứng với thể trạng của mình.

Đây là một cuốn sách để thực hành, không phải chỉ để đọc. Và người viết cuốn sách này, không mấy ngạc nhiên, đã có một hành trình cuộc đời đầy thú vị trước khi tạo ra được content thực hành trực tiếp, khoa học và hiệu quả bằng hình thức viết sách này.

Một cô gái có bố làm việc cho NASA, bản thân thì theo học ngành nghệ thuật, nhưng sự va vấp sớm bởi đống lý thuyết quá nặng nề ở trường đại học đã thúc đẩy cô tìm đến Yoga nhưng một liệu pháp chữa trị, và hành trình nối dài đến tận dãy Himalaya, qua thêm mười năm tìm hiểu, nghiên cứu và thậm chí là học thạc sỹ chuyên ngành Yoga, trước khi cô viết ra cuốn sách này.

Luôn có một lý do cho một thành quả kết hợp nhiều yếu tố, mà trong trường hợp của suốn sách này là khoa học, mỹ thuật, và tính ứng dụng. Lý do đó chính là trải nghiệm cuộc đời nhuốm màu định mệnh, nhưng ở tận cùng nơi bắt đầu cuộc hành trình, luôn là tiếng gọi của giá trị cốt lõi và khát khao được đi đến tận cùng vấn đề tồn tại bên trong mỗi con người.

Cuốn thứ hai: Đông Dương tráng lệ – Pierre Dieulefils

Mỗi khi được ở một mình trong một thời gian đủ dài, mình hay nghĩ về chính mình như một lữ khách trong một chuyến đi dài từ quá khứ đến hiện tại, và tự hỏi bản thân muốn đi đến những đâu trong tương lai. Dòng suy tư ấy đến một cách rất tự nhiên trong điều kiện giới hạn kết nối với xã hội để tăng tính kết nối với bản thân, và mình biết là dòng chảy đó cũng sẽ đến với mọi người trong quãng thời gian giãn cách có cùng điều kiện này.

Cho nên, cuốn sách thứ hai, được viết bởi một người đàn ông sống cách đây khoảng 100 năm, sẽ đem đến hai góc nhìn thú vị: về những trăn trở tạo ra cuộc hành trình, và về những giá trị mà quá khứ có thể đem lại cho hàng chục năm về sau.

Đây là một cuốn sách ảnh, toàn bộ đều là ảnh đen trắng, chụp lại mọi khoảnh khắc về non nước, công trình, con người Việt Nam tại những nơi mà tác giả người Pháp có dịp đến thăm thú. Bất cứ ai ở Việt Nam khi đọc cuốn sách này đều sẽ tìm thấy vết tích quá khứ của một địa điểm quen thuộc nào đó, hoặc đôi khi chỉ là mỗi cái tên địa danh còn tồn tại đến tận ngày nay.

Cảm giác trực tiếp nhất mà những tấm ảnh đem lại chính là tác động khủng khiếp của thời gian, sự xoay vần liên tục cuốn theo lớp lớp thay đổi, không chừa lại bất cứ thứ gì nguyên vẹn thư nó đã từng. Bằng một cách nào đó, cảm giác này hóa ra lại đem đến một sự trấn an tinh thần, vì hiện tại cơn bão thay đổi đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết ở thời đại này.

Người đàn ông Pháp chụp nên những bức ảnh tráng lệ xứ Đông Dương cũng đã có một hành trình kỳ lạ. Vào những năm tháng trẻ trung nhất của cuộc đời, ông bị mắc kẹt trong quân ngũ nơi xứ lạ (Hà Nội), để rồi khi may mắn trở về được đất Pháp, ông lại quyết định quay trở lại Hà Nội, bắt đầu cuộc sống của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.  

Thật khó để có thể so sánh chuyện mắc kẹt hai năm trong quân ngũ với chuỗi ngày tự cách ly ở nhà vì dịch bệnh, nhưng nếu quãng thời gian ấy được tận dụng tốt để chiêm nghiệm, sau khi thoát ra trở lại, biết đâu lại là nơi một hành trình kì diệu hơn được bắt đầu.

Cuốn thứ ba: Bản Đồ – Aleksandra Mizielińska và Daniel Mizieliński

Mình mua cuốn sách này từ đợt giãn cách năm 2020 cách đây hơn 1 năm, lúc mua cũng không tưởng tượng được là tận một năm sau vẫn phải lật giở từng trang mà tiếc nuối cái thời còn được bay đi khắp nơi một cách dễ dàng.

Nếu bạn cũng như mình, đã từng có cơ hội được đi nhiều, và đang cảm thấy nhớ những chuyến đi đó, xem bản đồ cũng không hẳn là một ý tưởng quá cũ, dù là bản đồ gì!

Đây tiếp tục là một cuốn sách với phong cách minh họa bằng hình vẽ, và lần này hoàn toàn không có thông tin chú thích gì nhiều hơn là tên địa danh và từ khóa về các đặc điểm văn hóa, địa lý khu vực.

Đúng với tên gọi Bản Đồ, tập sách này là tổng hợp của 52 tấm bản đồ từ 52 quốc gia và khu vực chọn lọc, toàn bộ đều là bản in từ nét vẽ tay của các tác giả. Ngoài gợi mở kiến thức thường thức về địa lý và địa danh như mọi tấm bản đồ khác, nét vẽ tay trong cuốn bản đồ này trái lại mang rất nhiều dấu ấn mỹ thuật cá nhân. Nó thể hiện rõ nét góc nhìn cá nhân về những đối tượng thường thức, đem đến trải nghiệm khám phá thế giới bằng góc nhìn của người khác. Điều này khiến cho tính hoài niệm trong mình được thúc đẩy thành khát khao được tiếp tục khám phá lại một nơi nào đó đã từng đi qua, như khi mình nhìn thấy hình minh họa về trượt tuyết trên núi ở Thụy Sĩ, mình ngay lập tức có cảm giác muốn được trải nghiệm lại cái lần leo núi tuyết và xuống trạm lúc trăng non vừa qua khỏi rặng núi.

Một hệ quả tất yếu từ việc xem cuốn sách này từ năm ngoái, là ngay sau khi lệnh giãn cách được tháo dỡ, mình đã lên kế hoạch mỗi tháng đi trekking và cắm trại một lần, ở mọi nơi trong nước mà mình có điều kiện đi. Điều tất yếu tiếp theo là chỉ sau 4 chuyến đi như vậy, rất nhiều thay đổi tích cực đã xảy ra và tác động không nhỏ đến cuộc sống của mình.

Thật khó có thể diễn tả ở nơi bắt đầu, cái gì thúc đẩy mình quyết định đi nhiều hơn, nhưng việc đọc cuốn sách này có góp một phần cơ duyên trong đó.

Cuốn thứ tư: Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp

Mình mua cuốn sách này một cách rất tình cờ, khi đọc được câu chuyện ứng dụng mỹ thuật truyền thống vào minh họa đương đại của họa sĩ Tạ Huy Long (người minh họa cho cuốn sách) trên một fanpage Facebook về Mỹ Thuật. Cái tên “Lĩnh Nam Chích Quái” có thể không mấy quen thuộc với những ai không theo dõi cổ phong Việt Nam, nhưng nếu mình nhắc đến Lạc Long Quân, Âu Cơ, Mỵ Châu, Thánh Gióng, thì đó chính là những câu chuyện mà hầu hết mọi người đều biết, được kể lại bằng chữ và tranh minh họa trong cuốn sách này.

Lý do chính mình đem tựa sách này lên đây chia sẻ, thật ra không nằm ở nội dung cuốn sách. Vào cái hôm mình khoe cuốn sách với thằng cháu đang học tiểu học và hào hứng hỏi nó học “Con Rồng cháu Tiên” chưa, mặt nó lập tức đần ra trong 3 giây trước khi trả lời là chưa học!

Ở chính cái khoảnh khắc đó, mình nhận ra không phải cái gì tuổi thơ của mình có thì của những đứa nhóc cách mình hơn 20 năm cũng có. Phần khó khăn hơn, có lẽ là làm sao để biết được tuổi thơ của tụi nó có những gì mà mình không có!

Một trong những thay đổi rõ ràng nhất của giãn cách xã hội chính là thời gian tiếp xúc giữa các thành viên trong gia đình được tăng lên tối đa. Nó có thể là một món quà hay là bi kịch, tùy vào cách nhận thức và xử lý của mỗi người, nhưng dù là gì đi nữa thì khoảng cách giữa các bên luôn luôn tồn tại.

Đôi khi, tìm một cuốn sách có thể cùng nhau đọc, kể cho nhau nghe, lại giúp xóa bỏ phần nào những khoảng cách đó, gợi ra những cơ hội để hiểu nhau nhiều hơn, như cái cách mà mình hiểu được hóa ra đám cháu nhà mình chưa từng được nghe những câu chuyện thần thoại vậy.

Cuốn thứ năm: Chúa tể của những chiếc nhẫn – J.R.R. Tolkien

Nói về hành trình mà bỏ qua cuộc hành trình kỳ vĩ đậm tính sử thi trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” thì sẽ là một thiếu sót rất lớn. Nói về sức mạnh của tâm trí mà bỏ qua trường hợp này thì càng là một thiếu sót lớn hơn.

Trong số tất cả những cuốn tiểu thuyết mà mình từng đọc, chưa có trường hợp nào vượt qua được “Chúa tể của những chiếc nhẫn” về đỉnh cao sáng tác và sáng tạo, mạn phép so sánh luôn cả với những bộ trường ca đồ sộ nhất từ các nền văn hóa Hy Lạp, Đông Á, hay Ấn Độ. Chưa từng có một tác phẩm nào khác mà sự sáng tạo trong hư cấu đạt đến độ hoàn hảo như Chúa Nhẫn.

Một thiên trường ca hoàn toàn không có thật, nhưng có hệ thống nhân vật gắn với không gian lịch sử, văn hóa, thậm chí ngôn ngữ, một cách hòa hợp không tì vết. Thật khó tưởng tượng nổi phải là một bộ óc vĩ đại như thế nào và một tình yêu lớn như thế nào mới có thể sáng tạo ra được thế giới sống động và hoàn chỉnh như vậy.

Vì những lý do đó, J.R.R. Tolkien, xứng đáng được xem như Chúa Trời của dòng văn học kỳ ảo.

Lý do bộ tiểu thuyết này nằm ở cuối danh sách của ngày hôm nay, trước hết là vì nó minh chứng cho thấy sức mạnh tâm trí mà con người có thể đạt được khủng khiếp như thế nào. Nó có thể vẽ ra cả một thế giới không có thật bằng một cách như thật!

Nhưng cái thứ hai, đi vào trọng tâm đang được chia sẻ hơn, là một gợi ý mà mọi người có thể cân nhắc đến trong mùa dịch: học ngoại ngữ.

Tình yêu ngôn ngữ của J.R.R. Tolkien lớn đến mức ông tự sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của các tộc người trong truyện. Mình vốn không có được tình yêu lớn đến thế, nhưng chí ít mình được truyền cảm hứng để cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình. Đọc lại bộ Chúa Nhẫn bằng tiếng Anh sẽ là một thử thách khá nhọc nhằn, nhưng vì đang trong mùa dịch và không thể đi đâu, một hành trình ngôn ngữ nặng nhọc cũng là một ý tưởng đột phá.

Phần kết

Thì thật ra là, như mọi người cũng đã nhận thấy rồi, mình chia sẻ 5 cuốn sách, không đơn thuần chỉ là cụ thể 5 cuốn sách đó. Cái cốt lõi mà mình muốn gợi ý là những hoạt động mà mọi người có thể tập trung trong khoảng thời gian ở nhà này:

  • Tập luyện sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu, vì sẽ không có một thể chất bệ rạc nào có thể chứa được một cái đầu minh mẫn.
  • Tự kết nối với chính bản thân bằng cách chiêm nghiệm về quá khứ, liên kết với hiện tại, và lên kế hoạch cho tương lai là điều tiếp theo không thể bỏ qua, đặc biệt trong lúc mà chúng ta tạm thời tắt bớt các kết nối với xã hội để có thể lắng nghe chính mình nhiều hơn.
  • Duy trì sở thích của bản thân, dù đó có thể là một sở thích mà hiện tại mình khó lòng làm gì khác hơn là lên kế hoạch, để sẵn sàng quay trở lại ngay khi có thể.
  • Sử dụng quãng thời gian chung sống với các thành viên khác trong gia đình một cách hiệu quả, tìm hiểu nhau nhiều hơn, trao cho nhau nhiều câu chuyện và cơ hội hơn, giúp nhau xóa bỏ đi những khoảng cách.
  • Cuối cùng, hãy tìm thêm một “hành trình” mới mẻ có tính thử thách cao để làm, để đến khi hết dịch, chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện và mạnh mẽ hơn. Biết đâu được, những cơ hội mới cũng sẽ bất ngờ tìm đến!

Chúc mọi người sớm tìm được lộ trình phù hợp, và cố gắng trải nghiệm giai đoạn này tích cực nhất có thể! Cùng nhau mạnh mẽ hơn nữa nào!

Mộc Hân,

Sài Gòn – những ngày giãn cách

Chúa Nhật, Ngày 18 Tháng 7, năm 2021

Chọn Đàn Tranh

Gần đây, tôi học đàn Tranh.

Chữ “Tranh”, nhiều giả thuyết cho là “tranh giành”, có điển tích kể lại câu chuyện một cây đàn bị giành giật đến cuối cùng phải xẻ làm hai để làm hài lòng cả đôi bên, một trong hai nửa đó gọi là đàn Tranh.

Cái quá khứ tranh giành đầy bạo lực của cây đàn không khiến nó trở nên kém hấp dẫn đi. Trong suốt chiều dài lịch sử hơn ngàn năm phủ dày khói lửa chiến tranh giữa các nền văn hóa lớn nhỏ thuộc liền một dải Đông Á, cây đàn tranh vẫn thuận lợi du nhập vào nhiều miền đất khác nhau. Từ cái gốc đàn Tranh Trung Quốc (cổ tranh hay Guzheng), người Nhật có đàn Koto, Mông Cổ có đàn Yatga, Hàn quốc có Gayageum (Già Da Cầm), và dĩ nhiên không thể thiếu phần của cây đàn Tranh Việt Nam.

Nhập gia thì tùy tục, Tranh có thể giữ lại cái tên khai sinh, hoặc không; Tranh cũng có thể giữ lại cấu trúc chung, hoặc không; nhưng vì đã là du nhập, nên Tranh được biến đổi ở từng vùng để có thể phát ra loại âm sắc gần gũi nhất với từng nền văn hóa bản địa.

Tranh Việt Nam phát ra âm thanh thánh thót nỉ non, tuy khó có thể chơi độc tấu trọn vẹn mà thường hòa tấu chung trong một dàn nhạc cụ dân tộc, nhưng khi gảy lên một nốt dù cao chót vót cũng khiến người ta nghe thấy trong dạ xót xa muôn phần. Tiếng Tranh ấy như tiếng lòng của một dân tộc giàu lòng tương thân tương ái, đã phải chịu nhiều đau khổ trong suốt chiều dài lịch sử 4000 năm.

Tranh Trung Quốc, khó mà biết được từ thuở xa xưa sẽ có âm sắc như thế nào, nhưng qua cổ khúc Cao Sơn Lưu Thủy chơi bởi Guzheng hiện đại, ta có thể nghe ra quãng âm vừa trầm vừa vọng của đoạn Cao Sơn, cao và sâu như bề dày văn hóa của đất nước này; lại cũng có thể nghe ra những nốt cao xô đập vào nốt thấp ở đoạn Lưu Thủy, lớp lớp dạt dào không ngừng chảy như tham vọng ngàn đời không tắt của dân tộc này.

Thật khó cho tôi để mà tiếp tục lạm bàn về Koto hay Gayageum, vì tôi chưa hề nghe qua, chưa hề chạm vào. Nhưng tôi dám tản mạn đôi dòng ở trên về Tranh Việt Nam và Tranh Trung Quốc, là bởi vì tôi là một người Việt Nam đang học chơi Tranh Trung Quốc. Đừng nên hỏi nhau những câu hóc búa như: Tại sao lại học Tranh Trung Quốc? Câu trả lời có thể rất bâng quơ sơ sài, hay sâu xa tâm huyết, nhưng dù là gì, thì cũng sẽ đi đến cùng một lý do với việc tại sao người này học Piano, người kia chơi Guitar, người nọ thích đập trống. Là bởi vì để một người thích một loại âm sắc của một nhạc cụ nào đó, nó chung quy là do duyên số, tức là một cái gì đó rất khó giải thích nhưng lại xảy đến cực kỳ tự nhiên.

Mà bàn về âm sắc, ngay cả trong cùng một loại nhạc cụ, hàng trăm cây đàn tưởng là như nhau sẽ có âm sắc khác nhau đúng trăm loại. Sự khác biệt này càng rõ rệt trên các loại nhạc cụ cơ, trong đó có đàn Cổ Tranh – đến đây tôi sẽ dùng từ này để gọi cây đàn Trung Quốc đã được hiện đại hóa từ đàn Tranh nhưng vẫn lưu giữ gốc “Cổ” – “Gu” trong tên gọi chính thức của nó.

Để chọn được một cây đàn Cổ Tranh phù hợp, người chơi vừa phải hiểu mình muốn những gì, vừa phải hiểu đàn có những gì.

Đi từ mong muốn của cá nhân người chọn đàn thì như bắt thăm một kiểu tính cách trong muôn vàn tính cách, rất khó để mà nắm bắt hết. Nên chăng, ta sẽ đi từ cây đàn mà ra.

Đàn Tranh có đáy đàn và mặt đàn (diện bản) làm bằng hai tấm gỗ, tổng chiều dài cả cây đàn có thể lên đến 1m63, bên hông phải có hộp đóng mở được để che hệ thống trục, bên hông trái gắn kín bằng gỗ để tạo hộp cộng hưởng. Dưới đáy đàn có hệ thống lỗ thoát âm, trên mặt đàn có 21 dây bắc ngang được căng làm hai phần bởi dàn ngựa đàn (hay người Việt thường gọi một cách bay bổng hơn là con nhạn). 21 cọng dây hiện đại ngày nay có thể nhìn thấy là dây thép bọc nilon, một thứ chất liệu chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến sự thay đổi âm sắc của cây đàn hiện đại so với cây đàn cổ. Nhạn đàn có thể bằng gỗ, bằng sứ, bằng xương động vật, nhưng ngày nay đa phần là bằng gỗ hoặc bằng một thứ chất liệu khác nữa chỉ có thể có ở thời hiện đại – nhựa tổng hợp, mà khi con nhạn thành phẩm dù cao cấp hay rẻ tiền, nó thường sẽ là màu trắng.

Chất liệu dây đàn và nhạn đàn chắc chắn ảnh hưởng đến âm sắc, nhưng tính khí cái cây bị đốn để đúc đàn và kỹ thuật xử lý gỗ cũng sẽ ảnh hưởng đến tiếng đàn. Một ví dụ nghe qua thì có vẻ nhân hóa, là nếu cây đàn được đúc từ một cái cây đã từng mọc đủ nắng đủ nước, tiếng nó sẽ khác so với cây đàn làm từ một cái cây mọc khô hạn. Một cây đàn ghép lại từ nhiều tấm gỗ, tiếng cũng sẽ khác những cây đàn cao cấp đúc ra từ một khúc gỗ lớn đồng chất. Khó có thể nói trong số những cây đàn kể trên, cây nào có âm nghe hay hơn cây nào, trừ khi là ta so sánh về chất lượng vật liệu kiểu tiền nào của nấy. Còn lại, phần nhiều người ta thích tiếng của một cây đàn nào đó, vẫn lại là do duyên số mà ra.

Lúc lựa đàn, ta không thể biết được, cái cây làm thành tấm diện bản này bao nhiêu tuổi rồi, nó từng mọc ở đâu, có đủ nắng đủ nước hay không; nhưng ta có thể gảy thử, nghe thử, và tựa như người ta yêu nhau không cần lý do hay hiểu biết gì về gia cảnh, người ta chỉ cần nghe thấy sự đồng điệu trong tiếng lòng của nhau.

Dù biết hay không biết đàn vào lúc chọn mua cây đàn của cuộc đời mình, cũng hãy ít nhất nghe thử hai đoạn nhạc chơi từ cây đàn ấy (qua video quảng cáo thương hiệu đàn, hoặc do người tư vấn bán đàn giúp gảy thử), một đoạn vui, một đoạn buồn. Đây là một cách khá hiệu quả để rà đoán sở thích của bản thân, chính là để nghe ra loại âm thanh nào trong kiểu tâm trạng nào sẽ khiến tiếng đàn hiểu được tiếng lòng. Bởi vì, đàn sẽ có cây tiếng ấm, có cây tiếng trầm, có cây ngân như chuông, có cây ríu rít như chim hót, nhạn gỗ nghe có vẻ cổ điển, nhạn trắng lại vang kiểu hiện đại, trong ma trận âm sắc ấy, nếu không tự hỏi lòng mình thì biết đâu mà lần? Người mua đàn về để chơi kiểu nhạc gì, vui hay buồn, kim hay cổ, đơn giản hay phức tạp, thật ra rất quan trọng để cân nhắc đến lúc lựa đàn.

Dù biết hay không biết đàn vào lúc chọn mua đàn, nhất định còn phải trực tiếp gảy đàn nữa. Một cây đàn, suy cho cùng, vẫn nên tính là một thú chơi xa xỉ, dù là xa xỉ, nhưng không được mất đi phần tao nhã. Một khi đã quyết định mua đàn, chơi đàn, vậy còn ngại gì việc đeo móng vào cho đúng cách, và nếu có thể, hỏi xin thử các loại móng chất liệu khác nhau nữa, rồi thong thả ngồi xuống gảy thử một loạt các kỹ thuật phổ biến. Nếu chưa từng biết kỹ thuật nào vì chỉ mới nhập môn ư? Lại càng nhất định phải gảy vài nốt để cảm nhận được độ căng của dây và nghe được âm thanh do chính mình tạo ra trên cây đàn. Điều này thật sự quan trọng, vì có những loại rung cảm chỉ phát sinh bằng va chạm trực tiếp.

À, cũng đừng quên hỏi người bán đàn một hai hợp âm căn bản trên tay trái và cố gắng bốc dây bằng ngón trần của bàn tay trái, để nghe được sự khác biệt giữa có và không có đeo móng. Vì hầu hết những bản nhạc đơn giản chơi trên cổ tranh sẽ chỉ đòi hỏi đeo móng 3 ngón của tay phải, còn tay trái có thể bốc hợp âm bằng ngón trần hoặc đeo móng tùy ý người gảy đàn.

Ngoài ra, dù không thuộc về cây đàn, nhưng chất liệu móng cũng ảnh hưởng nhiều đến tiếng đàn, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến cơ chế truyền lực từ cổ tay đến ngón tay khi đàn. Có những loại móng làm bằng cao su thiên nhiên, đàn hồi tốt và nhẹ, sẽ giảm được rất nhiều lực nơi cổ tay người gảy, nhưng bù lại âm tạo ra không dày. Với người mới bắt đầu, loại móng này giúp học nhanh các kỹ thuật vê dây, khiến ta hào hứng hơn với việc luyện tập, nhưng về lâu dài sẽ khiến cổ tay ta bị yếu, và âm gảy ra không đủ dày. Tuy nhiên, nếu nhu cầu chỉ dừng lại ở việc chơi nhạc phim đơn giản, thì loại móng này thật sự rất tốt, đặc biệt tốt hơn nữa cho những ngày vô tình tay mỏi tay đau.

Một vài loại móng cứng và dày hơn, mặt sau có thể có khía, cứng cáp hơn, đòi hỏi cổ tay người chơi phải thật khỏe để có thể tạo ra loại âm thanh dày dặn hoặc trầm ấm tùy vào lực đàn trên dây. Tuy nhiên, những móng này chỉ phù hợp với người luyện nhạc khúc nâng cao, cần tăng cường kiểm soát lực gảy nơi cổ tay và cần nhấn nhá cường độ trên dây đàn. Luyện đàn với loại móng này sẽ gây nhức mỏi tay trong một vài ngày đầu, nhưng đổi lại càng luyện cổ tay sẽ càng khỏe khoắn dứt khoát.

Bởi vì có câu, để đàn được càng nhẹ nhàng thanh thoát, nội lực phải càng mạnh mẽ để tiết chế được ngón đàn.

Dù đã tản mạn khá nhiều về cách chọn đàn, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhấn mạnh một xu hướng chọn đàn rất khó tránh khỏi: love at first sight.

Tranh có phần đầu đàn, đuôi đàn và hộp đàn, vốn là một mảnh đất màu mỡ để người ta khảm lên đó cơ man nào là trân châu xà cừ, ngọc ngà phỉ thúy, những bức thư pháp còn nguyên dấu ấn triện, những bức thêu nổi thủ công tỉ mỉ, những bức tranh thủy mặc, những rồng phượng chạm khắc cầu kỳ.

Nhưng mà, vẻ đẹp rực rỡ của cây đàn dễ làm người ta quên đi âm thanh của nó, quên mất rằng tiếng đàn mới như tiếng lòng, phải hiểu và làm chủ được cây đàn của mình thì nó mới có giá trị. Ví như một cây đàn cũ có mặt đàn trầy trụa chi chít do hàng chục lần dời nhạn lên dây, nhưng càng chơi lâu chơi nhiều thì âm càng vang càng hay.

Cho nên, với Cổ Tranh mà nói, giá trị của cây đàn là nằm ở tâm của người chơi. Bao nhiêu châu ngọc tơ vàng đẹp đẽ khảm lên cây đàn, suy cho cùng chỉ có giá trị nếu người ta thường nhớ đến nó mà gảy lên những bản nhạc đẹp, còn bằng không thì coi như phí cây đàn đi.

Thật ra, đàn cũng như người, chọn được đàn tốt giống như có được lương duyên, nhưng luyện đàn muốn hay muốn giỏi thì phải luyện cả cái tâm cái tính nữa. Học đàn hơn một năm rưỡi, nói là học đàn nhưng thật ra học được rất nhiều thứ.

Sài Gòn,

Mộc Hân tản mạn

07/04/2020

 

Từ bài “Cáo tật thị chúng” của thiền sư Mãn Giác

Lời đề: Thơ làm từ Tết Nguyên Đán, nhân dịp một ngày tĩnh lặng nhưng đầy sóng lòng, bỗng chốc cảm thấy “trên đầu già đến rồi”, nên quyết định đăng.

 

Xuân xanh chẳng bận gì già trẻ,

Chỉ đợi vãn đông lại tái hồi.

Đào tươi, mai thắm còn trông tiết,

Phúc tốt, duyên lành cũng thế thôi!

 

Đêm nay thềm trước mấy nhành mai

Trách xuân chưa tới rụng tơi bời.

Giao thừa đổ xuống làn sương mới

Lạnh gốc hao gầy, lớp lớp hơi.

 

Lại nhớ cửa thiền một đôi câu:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”.

Ba mươi năm thiếu lòng vương vấn

Vội ngóng nhành mai rực trước sân.

 

Mộc Hân,

Sài Gòn, 15/02/2018

Nhằm ngày 30 tháng chạp năm Đinh Dậu, giao thừa năm Mậu Tuất.

 

Chú thích về bài kệ “Cáo tật thị chúng” của thiền sư Mãn Giác, một vị thiền sư sống vào thời nhà Lý, Đại Việt:

Phiên âm tiếng Hán:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

 

Dịch thơ tiếng Việt của Thích Thanh Từ:

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua – sân trước – một cành mai.

“The Greatest Showman” – Review

Chắc cũng phải mấy năm trôi qua kể từ lần gần nhất mình viết review phim ảnh. Lý do ngoài nhiều bài nhiều việc ra thì cơ bản là lười.

Mà tại sao lại lười?

Một phần cũng bởi tần suất đi xem phim có khi còn thường xuyên hơn cả số lần ăn mì gói, mà chất lượng phim ảnh dạo này phần lớn lại như gói mì – ăn xong quên luôn, dù ta có hàng trăm loại mì, từ Hảo Hảo mì chua cay ba ngàn mấy một gói đến các thể loại mì cay Hường Quốc nhập khẩu mấy chục ngàn một gói, cay thấy má mà ai cũng ham!

Cái cơn lười đó nó cứ trôi tuồn tuột qua từng bộ phim, từ những cái khó viết review như Life of Pi hay những cái chả có cái gì để mà viết như Transformers

… Cho đến khi mình dính chưởng của anh bầu show vĩ đại, hay người ta đã dịch thành “Bậc thầy của những ước mơ”, thì cái cảm giác áy náy vô hạn lại trỗi lên mỗi khi cơn lười tìm cách ngăn trở mình viết cho anh bầu một cái review, dù chỉ là ngắn ngọn súc tích.

Đời ngang trái! Nhưng không ngăn được gái yêu phim!

“The Greatest Showman” chính thức được mình trân trọng viết vào danh sách ba bộ phim khiến mình cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi xem, trong số hàng trăm những bộ phim thượng vàng hạ cám mà mình đã từng xem.

Ở đây xin được trích dẫn lại một phân đoạn từ trong phim, mà mình thấy nó như một tuyên ngôn về triết lý của bộ phim:

Khi nhân vật nhà phê bình nói với P. T. Barnum, những show diễn của ông chỉ là lừa đảo, Barnum đã trả lời: “Nhưng niềm vui là thật!”

Đó cũng chính là dấu chấm hết cho những lời phản biện về tính chân thực của bộ phim khi khắc họa về những con người có thật.

“The Greatest Showman” không phải là phim tiểu sử, nó là phim về những ước mơ, những show diễn, là bộ phim của sự hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo giữa âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất và góc quay, mà trong sự hòa quyện đó, không có cái nào lấn át cái nào, cũng không có cái nào nhường phần hơn cho cái nào, tất cả cùng thăng hoa lên đến cảnh giới cao nhất mà nó có thể đạt được trong cái đường dây kịch bản dù có vẻ còn hơi đơn điệu và quen thuộc của nó.

Nó còn là một tác phẩm nghệ thuật kép giữa loại hình nhạc kịch và điện ảnh, một viên ngọc được “show” ra trước khán giả để thỏa mãn họ, bất kể họ tìm kiếm những giá trị nghệ thuật hay đơn thuần chỉ là giải trí.

Nhưng nó tuyệt đối không dành cho những người hy vọng vào một khía cạnh gai góc nào đó mà họ tin rằng đó mới là sự thật về cuộc đời của Barnum.

Đừng tìm kiếm sự thật nào về những con người mà “The Greatest Showman” lấy làm chất liệu, chỉ có một sự thật duy nhất và là mục đích cao nhất mà bộ phim đã đem lại cho phần đông khán giả:

NIỀM VUI

Nói đến đây, bất chợt lại nhớ đến cái plot twist đầy tính triết học và thần học của “Life of Pi”: bạn sẽ tin vào câu chuyện về Pi và con hổ Bengal hay tin vào câu chuyện về Pi và những con người?

Đức tin của bạn sẽ cứu rỗi bạn!

Còn “The greatest showman” sẽ đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho bạn nếu bạn đặt mình vào những tiên đề của bộ phim và tin vào anh bầu show trên màn ảnh thay vì một ông Barnum người thật việc thật nào đó có trong ý thức và định kiến hẹp hòi của bạn.

Thường thì mình không ưng ý lắm cách dịch tên phim sang tiếng Việt, nhưng trong trường hợp này, “bậc thầy của những ước mơ” rõ là một sự phiên dịch hết sức có tâm! Anh bầu show không chỉ gieo ước mơ cho vợ ảnh, con ảnh, cho trai đẹp, gái xinh, anh lùn hay chị râu, mà anh bầu còn có tâm đến mức gieo cả ước mơ cho mình!

Vậy nên, xin được dành hẳn vài giây ngắn ngủi trong cuộc đời để sân si mà cười ha ha vào mặt ai đó dám xem thường những mộng mơ và niềm vui mà anh bầu đã dệt cho người ta sau khi người ta xem xong phim về ảnh!

Một lần nữa, đức tin của bạn sẽ cứu rỗi bạn.

Đến đây, để khỏi vi phạm thỏa ước “súc tích” như đã biên ra ở trên cái mở bài có phần lan man kia, mình xin được phép cắt luôn phần kết bài, thay vào đó là một vài bình luận ngắn về những điểm cực kỳ tâm đắc trong bộ phim mà thiết nghĩ ai chưa đi xem thì nên bỏ qua phần này!

SPOIL ALERT!

Đoạn chị Jenny Lind hát trên sân khấu, trên cái nền nhạc đầy kịch tính cùng điệp khúc lặp đi lặp lại “never be enough”, máy quay cứ chuyển hết từ anh Barnum trong cánh gà sang chị Jenny đứng giữa sân khấu rồi phóng một cái chuyển ra xa mấy chục thước đến chỗ chị Charity trên khán đài. Trước đó không quên chuyển góc máy thêm hai pha ngắn ngủi để đặc tả cái sự nắm tay rồi buông tay trong chưa đầy một câu hát của cặp trai xinh gái đẹp (mà sau đó vài cảnh sẽ đòi viết lại mấy ngôi sao). Khúc ấy nếu mà lỡ mất vài giây thôi có khi lại thấy nó hơi bị chóng mặt, nhưng với cái đứa ra rạp coi đến hai lần như mình thì xin khẳng định là khúc đó nó đậm chất giao thoa giữa điện ảnh và sân khấu nhất trong toàn bộ phim, nó đánh dấu khúc chuyển trong kịch bản chỉ bằng vài nhát lia máy cực kỳ gọn gàng.

Đoạn hai anh chị xinh trai đẹp gái đu dây để viết lại mấy ngôi sao, cái sự nguy hiểm của trò đu dây đó nó ẩn dụ ngay chóc tình trạng yêu đương của hai anh chị luôn: yêu đi rồi tạch! Mà mém nữa là tạch thiệt! Mình cực kỳ ưng cái đoạn chị gái bay lên xong anh trai kéo xuống, xong lát sau anh trai đeo lên được cọng dây rồi thì do nặng quá nên hai đứa cứ té bịch bịch bịch xuống. Phải đến lần cố gắng thứ n thì anh trai mới treo mình lên được cọng dây, nhưng hai anh chị vẫn không quên nhắn nhủ nhau một cách hết sức nước đôi:

“All I want is to fly with you. All I want is to fall with you.”

Cái sự lên xuống trong phân cảnh này thoạt nhìn cũng hơi rườm rà, nhưng thật ra cái chênh vênh đó là để đặc tả sự khác biệt về giai cấp.

Còn một điểm nữa mình cực kỳ ưng ý luôn, là trường đoạn “a million dreams”. Nhạc hay kinh khủng khiếp, ẩn dụ cũng độc đáo kinh khủng, nhất là đoạn khiêu vũ trong màn khói tàu hỏa hay khúc nhảy múa trên tầng thượng, đặt biệt đánh trúng tim những con hay đi trên mây như mình. Nhưng cái hay nhất của trường đoạn đó là đã tóm gọn cái nền móng về thế giới quan của hai nhân vật, giải thích về cội nguồn sự bền bỉ của P. T. Barnum là từ đâu: từ niềm tin bền bỉ của vợ anh, người duy nhất tin anh ngay cả khi anh sai hay đúng cô còn không biết!

“You may be right, you may be wrong, …”

Một lần sau cuối, nhưng hơi khác tí, đức tin của người khác cũng sẽ cứu rỗi bạn!

1:00 AM

07/01/2018

Đôi điều vắn tắt về “Chúa tể những chiếc nhẫn”

… Mà thực ra là không “vắn” lắm đâu!

Chuyện là, sau một thời gian dài im ắng vì nhiều nguyên do mang tính chất hiển nhiên, mình cũng kịp đọc trọn hai tập của tiểu thuyết “Sáu người đi khắp thế gian” (Tên gốc: The Drifters, tác giả: James A. Michener, một tác giả người Mỹ). Lúc vừa đóng sách, ý tưởng viết review ngay thật sự rất hấp dẫn, nhưng do lượng thông tin và kiến thức cùng khối mâu thuẫn đồ sộ mà cuốn sách mang lại vẫn chưa kịp lớp lang thấm vào não, mà cuối cùng cảm xúc cũng phải đầu hàng trước ý thức, khiến bài review chẳng có gì hơn ngoài vài dòng đã viết vội cách đây bốn năm, khi nó bắt đầu được đọc.

Nếu còn điều gì có thể bổ sung ngắn gọn về nó, thì đây: lôi cuốn, bổ ích, và cực kỳ khó đọc. Bài review hoàn chỉnh cho nó, đành phải hẹn lại vào một dịp thong thả khác, khi thời gian cho phép mọi thông tin và cảm xúc được sắp xếp ngăn nắp hơn trong đầu!

Còn bây giờ, tiêu điểm của đợt trở lại lần này trọn vẹn thuộc về “Chúa tể những chiếc nhẫn” (tựa gốc: The lord of the rings, tác giả: J. R. R. Tolkien, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, tiểu thuyết gia người Anh), hay ngắn gọn và thuận tiện hơn, mình sẽ gọi là “Chúa Nhẫn”.

Mình đọc bản dịch của Nhã Nam, chính là phiên bản đã gây ra hẳn một trận sóng gió khi vừa trình làng, về vấn đề dịch thuật. Cá nhân mình, mình cảm thấy bản dịch này thật sự rất có tâm, và không có gì đáng phải lên án, có chăng là do vấn đề lắt léo và đa nghĩa của ngôn từ, mà sự khác biệt trong kinh nghiệm sống đã khiến một vài độc giả trở nên quá khắt khe, đến mức đánh giá từ ngữ ấy vượt ra ngoài ý nghĩa ban sơ của nó. Nói cách khác, với một người đầu óc trong sáng về mặt ngôn ngữ, thì sẽ chẳng mảy may phiền hà hay bận lòng gì khi bắt gặp những “Thung Đáy Khe”, “Bao Gai” hay “Dãy Lộn Bao”, chẳng những chuyển tải đúng nghĩa gốc của từ, hơn nữa còn chuyển tải được cả cái không khí mà hệ từ ấy đem lại, mà mình vụng nghĩ là rất sát với ý đồ của ngài Tolkien, chẳng qua do khác biệt về hệ ngôn ngữ Âu – Á mà thành ra không trọn vẹn.

Dài dòng như vậy để biện bạch thay cho đội dịch thuật thực ra vẫn là chưa đủ, nhưng vì mình chỉ đang đọc tới cuốn thứ hai của bộ tiểu thuyết này, mà tiêu đề bài viết cũng là “vắn tắt”, nên có lẽ vấn đề dịch thuật nên tạm dừng ở đây, rồi trước khi rời đi, mình cũng xin để lại lời cảm ơn chân thành đến đội dịch thuật của Nhã Nam đã tạo điều kiện cho mình được đọc một bộ tiểu thuyết kỳ ảo hay đến rụng rời như vậy, bằng tiếng Việt!

Thật ra, mình nghĩ rằng, một trong những nỗi cô độc nhất ở đời là khi người ta cực kỳ hưng phấn mà không có ai để chia sẻ. Tình trạng của mình hiện giờ chính là như vậy, mà đó cũng chính xác là lý do mình buộc phải viết về “Chúa Nhẫn”, ngay cả khi chưa đọc xong!

DSC03984_Fotor

Học tập người Hobbit, dùng bữa trà chiều, với trà xanh Matcha tự pha, bánh Brownie tự làm, và cuốn thứ hai của series The Lord of the Rings_The two towers.

Cầu Chúa xót thương cho tâm hồn thuần phác của mình, mình nhấn mạnh mình là một con fangirl không hơn không kém, như mình đã nhấn mạnh hàng chục lần trước đây. Và rằng mình có thể cược hẳn một nghìn ăn một, ngài Tolkien hẳn phải là một bậc thiên tài có tầm nhìn bao quát đến cả một thế kỷ khi viết “Chúa Nhẫn”, cuốn tiểu thuyết mà ở thời điểm nó ra đời hẳn phải dành cho bọn con trai, nhưng sau một vài thập kỷ chóng vánh đã trở thành thánh địa cho đám fangirls hào hứng đẩy từ thuyền bè đến hàng không mẫu hạm của chúng ra khơi, bén gót cái thuyền vượt đại dương đi về vùng đất bất tử của chàng Tiên Rừng Legolas và gã Người Lùn Gimli.

Mà đấy là mình chưa nhắc nhở gì đến Frodo và Sam đấy nhé, nếu có ai đó đồng hội đồng thuyền với mình!

Mình thậm chí dám cá luôn, rằng “Chúa Nhẫn” mà không có Legolas với Gimli, thì xem như toi hẳn nó ba phần tư sức hút và tính thời đại, cho phép mình gom luôn cả tính nhân văn vô đây, vì tình bạn cao đẹp hơn cả tình bạn giữa một chàng Tiên bất tử mang vẻ đẹp hoàn hảo không góc chết với một Người Lùn ngoài sự thô kệch mà fan tự liên tưởng ra thì ngay cả Tolkien cũng chẳng màng mô tả gì nhiều hơn về ngoại hình của gã, cái tình bạn hơn cả tình bạn giữa một đôi đũa, e hèm, nếu vẫn còn có thể gọi là đôi đũa, lệch như vậy, mình thấy thậm chí còn cảm động hơn cả tình yêu kiểu Shakespeare giữa chàng Romeo và nàng Juliet. Nhân văn là ở chỗ đấy đấy!

Nếu cuốn một “The fellowship of the ring”, hay Nhã Nam họ đã xuất sắc dịch thành “Đoàn hộ nhẫn”, là mảnh đất tốt để nảy nở mối thiện cảm về sự thắm thiết không thể chia lìa của Frodo và Sam, thì hơn nửa cuốn hai lại trở thành đất diễn cho bộ phim tình cảm mãnh liệt giữa Legolas và Gimli. Mặc dù thực ra Aragorn mới là nhân vật đinh của bộ tiểu thuyết này, nhưng có lẽ thời của chàng đã qua rồi, thật tiếc khi phải nói vậy, và chàng đành phải ngậm ngùi làm ngọn đèn soi sáng cho Legolas và Gimli. Số phận của Aragorn ở thời đại này xem ra vẫn chưa phải tệ lắm, ít nhất là so với quý ngài Gandalf quyền năng, hay cả khu rừng đầy rẫy những người Ent, hay thậm chí là đám Orc từ Isengard, thảy đều phải chịu kiếp làm nền cho Legolas và Gimli tung hứng tình đồng đội của họ, nếu bạn vẫn còn muốn tin đấy là tình đồng đội!

Không tin ư? Hãy cứ đọc “The two towers”, hay được dịch thành “Hai tòa tháp”, tức cuốn hai, và cứ đợi đến chương “Hẻm Helm” và chương “Đường đến Isengard” mà xem! Theo mình, đó chính là hai chương mà mối quan hệ giữa Legolas và Gimli được tác giả nhiệt tình tô vẽ thắm thiết nhất, dĩ nhiên sau đó biết đâu sẽ còn thắm thiết hơn nữa, vì mình chỉ vừa đọc được hơn khoảng đấy một, hai chương mà thôi.

DSC03989_Fotor

Dưới nắng chiều hầm hập tỏa vào bầu không khí ẩm ướt và oi bức, giữa một mùa hè nhiệt đới trái mùa, thì vị trà Mỹ kiểu Nhật đựng trong cái tách gốm kiểu Việt cùng với vị Brownie ngọt gắt kiểu Mỹ càng khiến cho bóng hình chàng Legolas trở nên xa xăm diệu vợi trong trí tưởng tượng bị ngăn trở bởi không thời gian chật vật, đặc biệt đối với một Con Người đang học đòi Hobbit và tơ tưởng đến chàng Tiên Rừng xứ Âm U.

Chẳng phải hành trình phục quốc của Aragorn, quyền phép dai dẳng của Gandalf, mấy cái nhẫn của Sauron hay vẻ đẹp của phu nhân Galadriel, mà chính là mối tình (mà các bạn có thể điền vào bất cứ loại tình cảm nào mấy bạn thích, nhưng ở đây mình vẫn dùng từ “đồng đội”, để tôn trọng cách thức mà hai người ấy gọi nhau trong truyện) giữa Legolas và Gimli, mới là điều thúc đẩy mình phải đọc Chúa Nhẫn đến cùng, ít nhất là ở thời điểm này, chính xác là ở đoạn giữa chương “Những thứ trôi nổi”.

Có lẽ, bạn sẽ tìm thấy được một điều tâm đắc nào đó khác từ Chúa Nhẫn, vì nó vốn là cả một kho tàng tâm đắc suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi nó được xuất bản. Có lẽ bạn sẽ tìm thấy chính mình trong cuộc hành trình hoặc trong một nhân vật nào đó giữa hệ thống nhân vật chính khá đông đảo của Chúa Nhẫn. Riêng mình, mình cá là sau khi đọc xong, khát khao lớn nhất mà Chúa Nhẫn gieo vào lòng mình, là phải tìm ra một chàng Legolas cho riêng mình, với tư cách là một người như gã Người Lùn Gimli vậy!

Cứ mơ đi, vì cuộc đời cho phép!

Và cả ngài Tolkien nữa!

Mộc Hân

Sài Gòn, mười hai giờ đêm, 07/04/2017

Short Report #1: MADE the full album, “Fxxk it”, but it’s not a “Last dance”

Cuối cùng thì sau cơn khủng hoảng kéo dài tròn hai ngày, replay liên tục hai MVs và một ca khúc mới của Big Bang trong đợt comeback lần này, thì tôi cũng đã có thể tìm được chút bình tâm chật chội trong một vài chục phút để ngồi xuống viết vài dòng cô đọng về những khám phá và cảm xúc của mình trong cái quá trình replay điên đảo ấy.

Phát hiện của tôi không phải là phát kiến, có thể là đúng ý đồ, hoặc có thể chỉ là suy diễn quá đà, mà thậm chí là ảo tưởng. Nhưng tôi vẫn viết ra đây, vì tôi vốn xem viết lách là một dạng công cụ để ghi dấu lại những khoảnh khắc cá nhân đáng trân trọng.

Nào, hãy cùng bắt đầu với Fxxk it. Đây là một sản phẩm âm nhạc gợi cho tôi nhớ đến rất nhiều những sản phẩm khác của Big Bang, nó mang màu sắc của “Bae Bae” (màu sắc theo nghĩa đen ạ), không khí của “We like 2 party”, có một đoạn gợi nhớ đến “Tonight” (0:56 – 0:60, đoạn cả nhóm tụ tập trên sân thượng “làm màu diễn sâu” trong đêm), và đoạn cuối thì nhang nhác “Bang Bang Bang”. Nói là gợi nhớ, nhưng nó lại gợi theo một cách hết sức tưng tửng. Nhìn chung thì, cả nhịp điệu, ca từ, giai điệu lẫn concept đều có một độ tưng tửng nhất định, và nếu đẩy tiết tấu nhanh hơn một chút, thì sẽ thành ra cái trại tâm thần, rất đúng với tiêu đề “Fxxk it, anh hông biết gì đâu nha!”.

Tuy nhiên, hãy chịu khó quan trọng hóa vấn đề một chút, hẳn sẽ tìm ra độ sâu lắng ngay trong phần intro tiếng Anh của Taeyang:

 “I don’t wanna go too fast

Cause nothing really last

I think I need sometime

I can’t get you out of my mind”

Và từ đó ta có thể lan man theo nội dung bài hát, nghe những lời dông dài thống thiết, kể lể về cảm xúc mãnh liệt với một cô gái, “như đang dậy thì” với cả “đôi môi khô cháy”, nhưng nói chung là hãy thử thoát khỏi cái tinh thần “so deep” mà bài hát này cố tình mang lại, để thay cái “cô gái” đó bằng V.I.P, thì sẽ thấy hint bắn tá lả vô mặt.

Mấy thím ạ! Đừng tin, họ lừa đó!

Chốt lại là, Daesung của lòng tôi trong cái MV này hết sức nguy hiểm. Cái đoạn anh mặc áo vest kim sa hột lựu chiếu chiếu, hất tóc hất ngực hất… nhảy nhót thiệt như đập vô mặt con fangirl đã từng dại mồm bảo rằng anh nên để tóc che mắt đi thì hơn.

Ok! Fine! Let’s go to the “Last dance”, and we’d better change our mood!

Trên tinh thần màu mè bất tận từ đầu cái album đến giờ, thì ngay cả một bài sâu lắng level max như Last Dance cũng hông thoát khỏi kiếp bị tô màu, hông tô quần áo hay đầu tóc được thì tô luôn nguyên cái nước phim cho nó sâu và lắng. Này nhé, GD màu đỏ, Taeyang màu xanh lá, Seungri màu vàng, TOP xanh dương, và Daesung màu tím. Mấy thím hãy note lại để dự đoán màu Canvas random 1 vạch 5 versions của cái full album đi nha! Nếu hông đúng thì có nghĩa là mấy thím bị lừa, vậy thôi!

Thôi đùa đủ rồi, giờ vào trọng tâm đây. Cái gây ấn tượng khủng khiếp nhất cho đầu óc của chúng ta chính là cái camera 360 độ theo nghĩa đen nguyên chất 200% luôn! Nhưng mà, hãy dành chút thời giờ để tâm đến chiều quay của cái camera ấy. Trong khi hầu hết các phân cảnh của mọi người đều quay theo chiều kim đồng hồ, thì hầu hết những phân cảnh của Daesung lại quay theo chiều ngược lại, dù tôi cũng hông hiểu tại sao!

Có thể, đạo diễn thích thì quay thôi, nhưng tôi lại nhìn thấy đâu đó phảng phất bóng dáng ám chỉ thời gian. Những phân đoạn quay xuôi quay ngược bất định gợi lên sự níu kéo bất lực khi thời gian trôi càng lúc càng nhanh, nhưng đến cảnh cuối thì cả 5 concepts đều quay theo chiều thời gian, kể cả cảnh của Daesung, mà cao trào gây ấn tượng chính là cái bảng hiệu Theater được kéo giật lên sau khi đã rơi xuống trước đoạn nâng tone của GD – Taeyang.

Phải chăng việc chống lại dòng thời gian không giúp ta níu giữ được hào quang đã có trong quá khứ, mà chỉ làm cho nó đổ vỡ ra (như cái bảng hiệu Theater), cho đến khi ta chấp nhận bước tiếp một cách thanh thản, thì ta mới xác lập lại được trật tự bình yên mới cho tâm hồn?

Tấm biển được kéo lên, cô gái váy dài trắng xuất hiện (lại là cô gái, mấy thím tự hiểu đi nhé), và kể cả tiếng la hét cổ vũ của V.I.P trong mấy buổi concert, chính là cái bình yên vốn có, cái thủy chung đọng lại theo dòng thời gian, cái giá trị đáng trân quý nhất, vượt lên trên những hào quang của một thời đỉnh cao mà sớm muộn gì cũng sẽ biến mất.

Ý thức xác nhận cái đỉnh cao đó chính là hình ảnh GD đứng trên cán cân khổng lồ, hoặc là cái đòn bẩy, hoặc là cặp kim đồng hồ(cho hợp màu với camera 360). Đoạn đầu MV, anh đứng ngay điểm giữa cái cân, hoặc có khi là vắt vẻo trên nửa cán ngắn, và trong những đoạn sau thì lệch hẳn sang phần dốc xuống. Nhân tiện, hãy so sánh độ dài của hai bên cán cân, phần đã từng dốc lên rất ngắn, phần dốc xuống thì rất dài. Hãy nhớ, reo hò cùng nhau lúc ở đỉnh cao luôn luôn dễ hơn bền bỉ có nhau lúc xuống đoạn dốc dài của cuộc đời.

Theo tôi, last dance không phải là một lời hứa, cũng không phải là một lời xác nhận, mà là một câu hỏi: Em sẽ theo (các) anh được bao lâu?

Chốt lại là, đang dằn mặt!

À quên, kèm theo một lời nài nỉ, rằng: dù là bao lâu, thì cũng hãy nhảy nốt cái “last dance” này đã! Cho nên, nhớ mua album nếu có thể, nhé các V.I.P!

Mộc Hân

Sài Gòn, 14/12/2016

P/s: Do Girlfriend không có MV, nên không tiện phân tích hint hòe gì, nhưng cũng trên tinh thần thay cô gái ấy bằng V.I.P, thì sẽ thấy được một tinh thần xuyên suốt cực kỳ nhất quán.

Làm fangirl là một loại duyên phận, làm V.I.P càng phải nhờ vào duyên phận

Với những ai vốn thân thiết, đều hiểu rằng tôi là một fangirl, kiểu người có thể gần như hâm mộ mọi thứ đẹp đẽ ở đời. Tôi ít khi hâm mộ cuồng nhiệt một cái gì đó, hoặc một ai đó cách toàn vẹn. Thật khó để diễn đạt, nhưng đúng là như vậy, sự ái mộ của tôi luôn luôn nửa vời, mơ hồ, và không trọn vẹn.

Ví như, tôi có thể rất thích cầu thủ số bảy đội tuyển Đức, mà các bạn hẳn biết thừa là ai, nếu từng ít nhiều ghé qua chuyên mục mà tôi hay tự giễu là show “Lảm nhảm sau trận đấu”, tôi rất kiên nhẫn chờ mỗi hai năm một lần, tim đập muốn vỡ tung lồng ngực mỗi khi dõi theo anh lăn sả ở các trận đấu World Cup và EURO, nhưng lại không đủ kiên nhẫn để dán mắt vào các mùa giải triền miên cấp clb ở châu Âu.

Hoặc ví như, tôi đặc biệt rất thích giai điệu và ca từ trong những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, đặc biệt là những bài được phổ từ thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhưng lại chưa từng một lần chủ động tìm nghe những nhạc phẩm ấy; những bài ca khiến tôi mãi mãi phải đắm say như “Đưa em tìm động hoa vàng”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Em lễ chùa này”, hoặc trường ca “Con đường cái quan”, … hết thảy đều tự tìm đến tôi trong những hoàn cảnh rất bình thường, thậm chí là tầm thường.

Hoặc lại ví như, tôi đặc biệt tôn sùng cách “chơi” văn của cụ Nguyễn Tuân, suốt mười mấy năm trời, cái tôn sùng ấy vẫn vững vàng như núi, không một chút mảy may bị lay chuyển, nhưng nếu tôi bảo tôi chưa từng một lần đọc “Chùa đàn”, thì liệu có tin được không?

Tôi tự nhận mình có một phương cách ái mộ hết sức lãng tử, một tâm hồn đa đạng có thể chứa đựng mọi thể loại đẹp đẽ ở đời, dù đôi khi nó đối chọi với nhau như nước với lửa vậy, nhưng lắm khi tôi cũng vô tình và hờ hững lắm, thậm chí dửng dưng nửa vời như những ví dụ mà tôi vừa kể ra. Biết sao được bây giờ? Cái phương cách ấy, nó vốn là bản ngã của tôi, là một phần cấu thành cái tâm hồn ham vui và tham lam vô độ của tôi, nhưng ở một góc nhìn khác, tôi lại tự mãn cho rằng, cái phương châm dẫn lối đến với cái đẹp của tôi, chứ không phải phương cách, mới là cái đáng được kể đến. Nó tự nhiên như hơi thở và đậm đặc màu sắc tâm linh. Tôi gọi phương châm ấy là tùy duyên!

Hôm nay trời trong, vào một đêm đầu thu trời nóng hiếm hoi ở Đức, cũng là một đêm hiếm hoi không phải làm bài, trăng thanh lấp ló qua vạt rừng mỏng, còn tôi thì chong đèn ngồi trong phòng, đối diện ô cửa sổ mở toang lúc nửa đêm, laptop bật sẵn playlist nhạc BIGBANG trên Youtube, tai thì nghe headphone, tay thì gõ bàn phím. Giữa lúc hoàn cảnh và con người tương phản nhau như sơn ca với cú mèo, tôi sẽ từ từ kể ra đây một câu chuyện duyên phận nữa chỉ vừa kịp nảy nở trong tôi.

Thôi được rồi, dài dòng như vậy là đủ rồi, chẳng qua cũng chỉ làm màu được thêm dăm ba đoạn văn! Nhìn cái tựa đề, chắc các bạn cũng thừa biết tôi đang chuẩn bị lảm nhảm về cơn cuồng tuy cũ mà mới của mình, về một boyband đương đại tầm cỡ nhất châu Á. Ai đó có thể phản đối, cái chỗ “tầm cỡ nhất châu Á” ấy, nhưng tôi cứ mặc kệ thôi, vì trong mắt tôi, vị trí đó hiển nhiên phải là của BIGBANG, không còn lựa chọn nào khác đâu! Đọc tiếp “Làm fangirl là một loại duyên phận, làm V.I.P càng phải nhờ vào duyên phận”

Giữa hai miền nhớ

Tháng tám thu treo dưới mảnh trăng,

Lá sầu hiu hắt rụng nguềnh ngoằng,

Tây này Đông ấy hai miền nhớ,

Đất mẹ xa vời thấm mưa giăng.

Mộc Hân,

Bochum,

02:45, 24/08/2016.

Tái bút: Nhân lúc nhớ nhà, muốn tìm lại nguyên bản đơn sơ nhất của con người mình, tôi đã chỉnh riêng tư một vài bài viết trên trang này. Đó không phải là sự thay đổi quan điểm, mà chỉ là sự giấu giếm một phần đanh đá sân si, để mở lòng khoáng đạt, dung nạp cả cái gai góc lẫn cái mềm mại, cả cái giống lẫn cái khác, cả ghét lẫn thương. Chung quy lại là thương, sân si thì giữ riêng mình. À! Cả bộ mặt của trang Mộc Hân này lẫn phần đôi điều bày tỏ đều được thay mới, ấy là để ấp ủ một hy vọng sâu kín của riêng tôi, giữa lúc chuyển giao, sắp kết thúc một đoạn đường cũ, sắp bước sang một đoạn đường mới.

Sự mới mẻ sẽ mang đến niềm hân hoan nuôi dưỡng tâm hồn!

Nhật ký EURO 2016 [10]: Chung kết Pháp – Bồ Đào Nha: 0 – 1

Chào cả nhà! Rồi một mùa giải cũng qua đi, từ ngày mai, quãng thời gian hai năm giờ đợi một mùa hè bóng bánh nữa chính thức được khởi động. Làm xong cái show này, mình vẫn còn một trận chung kết nữa phải đá cho xong trước khi sang mùa giải mới (của riêng mình), cho nên với mình mà nói, cảm xúc bây giờ hết sức khó tả.

Trước khi vào tiết mục chính, mình muốn kể lể đôi điều. Mình đã vì tuyển Đức mà mài sức cố gắng được sang tận Đức xem EURO, nhưng do tính toán sai chu kỳ 12 năm mà phải nhìn Bồ Đào Nha vô địch. Cái chu kỳ này với mình, quả thực rất có ý nghĩa.

12 năm trước, mình nhìn đội bóng mình yêu thích lúc ấy, Hy Lạp, đánh bại Bồ Đào Nha trên sân của chính Bồ Đào Nha ở trận chung kết.

Bây giờ, mình nhìn đội bóng mình ghét nhất, Bồ Đào Nha, đánh bại chủ nhà Pháp ở trận chung kết.

12 năm nữa, hy vọng không phải là Pháp đánh bại một đội chủ nhà nào đó ở trận chung kết, … Ahihi.

Cái cách mà Bồ Đào Nha vô địch năm nay, thật sự rất giống Hy Lạp năm 2004. Hai đội bóng này đều vô địch vì Chúa muốn như vậy!

Mà nhân tiện nhắc đến Chúa, cuộc đời này đúng là một bộ phim có nhiều Plot Twist chỉ Chúa mới tạo ra được. Hai cái kịch bản mình đã vẽ ra ở show trước, tưởng như chặt chẽ lắm rồi, hóa ra lại sai toét lòe ra. Còn tại sao sai, xin mời vào show!

1/ Pháp rất thích đá kiểu vũ bão dằn mặt đối phương khoảng 10 phút đầu trận, sau đó mới giảm tốc độ lại. Trận trước với Đức và trận này, đều thấy hiện tượng đó.

2/ Gần như nguyên cái hiệp một chẳng có pha nào thực sự đáng chú ý, trừ pha CR7 phải nghỉ trận chung kết vì chấn thương, ở phút thứ hai mươi mấy đó, mình quên rồi!

2 bis/ Đây chính là chỗ vi diệu của Chúa. Như mình đã nói, sau khi tư cách fan Đức bị vô hiệu hóa ở EURO 2016 bằng thất bại của đội này ở bán kết, mình tiến vào chung kết với tư cách antifan Dẹo. Vậy mà, hỡi ôi, trận chung kết chưa được 30 phút, tư cách antifan của mình cũng bị tước bỏ. Chính vì vậy, hai cái kịch bản mình vẽ ra, hoàn toàn sai vì không lường trước được sự ra đi của chị dẹo. Sau khi mất hết tư cách fan phiếc gì rồi, mình vẫn tiếp tục xem, vì một phát kiến mới nảy ra trong đầu. Phát kiến đó là, Bồ Đào Nha sẽ thắng trận này khi KHÔNG CÓ Rô Dẹo.

3/ Và sự thật đúng là như vậy, ít nhất không thấy được ngay sự thay đổi trong lối chơi của Bồ Đào Nha, nhưng sang hiệp hai, kèo đã bị lật. Không có Ronaldo, Bồ thủ chặt hơn, công thông thoáng hơn, tạo ra được nhiều tình huống uy hiếp khung thành Pháp hơn. Tới đây thì không thể không nghĩ rằng, tờ báo nào đó của Pháp trù cho chị dẹo bị động kinh, đúng là tự mình hại mình. Nếu chị dẹo không quá mong manh dễ vỡ mà trụ nổi hết 90 phút, biết đâu Pháp mới là đội vô địch.

4/ Thật sự tiếc cho Pháp ngày hôm nay, chơi hay hơn Bồ, nhưng rõ ràng thiếu may mắn hơn rất nhiều, năm lần bảy lượt tạo được cơ hội, xong cũng lại năm lần bảy lượt nhìn bóng vọt qua khỏi xà ngang, cột dọc. Nhưng đáng kể nhất về cái sự nhọ cho Pháp, phải kể đến pha bị trọng tài bắt chạm tay trong vùng cấm, trong khi cái bàn tay chạm bóng ấy lại là của cầu thủ Bồ Đào Nha. Bàn thắng của Bồ không đến từ quả phạt cố định do sự cố chạm tay, mà đến từ một pha nhả bóng ngược ngay sau đó. Mặc dù không thể lấy làm chắc chắn, nhưng khán giả có quyền nghĩ rằng, nếu trọng tài không bắt oan, nếu không có đá phạt, thì bàn thắng sau đó cũng sẽ không đến. Thôi thì, nhân quả báo ứng thấy ngay ấy mà, ở bán kết được thiên vị bao nhiêu, thì vào chung kết phải trả lại bấy nhiêu. Hên ở bán kết, bất quá cũng chỉ để nhọ ở chung kết, vì đối thủ nó hên cả mùa!

Với fan Đức và antifan Rô dẹo, thì trận chung kết không có cả Đức lẫn Rô dẹo, đã sớm không còn ý nghĩa gì nữa rồi. Bất quá nhìn Bồ Đào Nha vô địch, lại chạnh lòng nghĩ đến Hy Lạp cách đây 12 năm. Cũng là ăn rùa như nhau, nhưng cảm xúc sao nó lệch nhau một trời một vực. Biết sao được, đá banh vốn là như vậy, người yêu đá banh nên chấp nhận dù kết quả có ra sao.

Mình vui vẻ chấp nhận, và vui vẻ chúc mừng Bồ Đào Nha đã có được cái họ muốn từ 12 năm về trước. Cũng chúc mừng luôn fan Bồ Đào Nha, vì cúp vô địch châu Âu đầu tiên trong lịch sử. Hẹn gặp lại mọi người mùa hè hai năm sau, và mình lúc đó, vẫn sẽ với tư cách fan Đức, và antifan Rô Dẹo, tiếp tục xem đá banh, viết lảm nhảm, và không quên rải hành cho cái danh sách anti được mở rộng ra khỏi phạm vi châu Âu.

Chào thân ái và quyết thắng!

Mộc Hân,

Bochum,

00:36, 11/07/2016

Nhật ký EURO 2016 [9]: Bán kết Pháp – Đức: 2 – 0

Cho phép fangirl được khóc một dòng sông trước khi vào show, vì cái ước mơ thành sự thật của fangirl là được xem EURO ở Đức đã không trọn vẹn bằng việc Đức về nước ở Bán kết. Nhưng mình hiểu rất rõ, bóng đá mà, không ai buồn hoài được và cũng chẳng ai vui hoài được. Ba lần liên tiếp vô địch luân phiên các giải đấu lớn như Tây Ban Nha mà cũng có ngày phải chấp nhận buồn từ vòng 16, hoặc tệ hơn cách đây hai năm là từ vòng loại, cho nên cái nỗi buồn bán kết này của Đức, nó chỉ là quy luật tất yếu của bóng đá thôi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu bỏ cái Worldcup ra, thì đây là lần thứ hai liên tiếp mình chứng kiến Đức thua ở một trận bán kết EURO. Mình vẫn còn nhớ rất rõ vẻ mặt buồn thảm của Schweinsteiger cách đây bốn năm, khi anh nằm gục trên sân sau trận thua trước Ý, và hôm nay dù không dám nán lại đến cùng vì cổ động viên Pháp đang rất hăng, nhưng mình có thể tưởng tượng được Schweinie không những buồn mà còn tự mình tổn thương sâu sắc nữa.

*Cry him a river*

Buồn thương gì đó thì cũng xong rồi, giờ chắc phải nhường diễn đàn lại cho đội thắng cuộc. Phải thừa nhận trận đấu hôm nay rất hay, hai bên ngang sức nhau, không có bên nào vượt trội hơn bên nào, và Pháp thắng một cách rất thuyết phục. Có ý kiến cho rằng, hôm nay Đức thua vì quá nhọ, đúng là vậy, nhưng ý kiến cho rằng Pháp thắng do hên thì không đúng. Hai bàn thắng của Pháp, trái penalty không nói làm gì, nhưng trái thứ hai thì quả thật là do hàng thủ của Đức đã lỗi, không phải lỗi một lần mà lỗi rất nhiều lần, mấy lần khác nếu không nhờ Neuer chơi rất tập trung thì tỉ số chắc còn nhiều hơn 2 – 0 nữa.

Nhưng mà, lỗi ở đây là gì? Lỗi ở đây là Khedira bị chấn thương chưa hồi phục, là Hummels dính thẻ, là Boateng phải trực tiếp rời sân vì chấn thương. Toàn hàng thủ cả! Và cũng cần phải nhấn mạnh, là cái sự “rời sân” của Boateng, nó chính xác là nguyên nhân dẫn đến bàn thua thứ hai cho Đức. Vậy thì lỗi ở đâu? Ở các vì sao ư? Không, lỗi ở chỗ trong đội hình không còn ai có thể thay thế được Boateng. Mất Hummels, người hâm mộ lo lắng không dứt, mất Boateng, bao nhiêu hy vọng cũng sụp đổ. Cái lỗi này không phải đến bây giờ mới tòi ra, nó tòi ra từ vòng bảng cơ, khi gặp những đội yếu thế hơn, và hàng thủ thì được giao khoán hết cho Boateng và Neuer. Đây có lẽ là cái giá phải trả cho sự phụ thuộc quá nhiều vào hai trụ cột này, nhất là trong giai đoạn Đức đang chơi tấn công như mấy năm gần đây, nếu hàng thủ không có nhiều lựa chọn thay thế, thì cái lỗi tưởng như định mệnh ở trận hôm nay sớm muộn gì cũng phá hoại tuyển Đức.

Mặt khác, Đức hôm nay cũng rất nhọ, nhọ không phải vì “lỗi” như đã phân tích ở trên, mà nhọ về cái độ vô duyên. Vô duyên khi tay Schweinsteiger chạm banh trong vùng cấm, dẫn đến quả penalty định mệnh kéo tinh thần người Đức đang từ trên trời phải sập ngay xuống đất; vô duyên khi năm lần bảy lượt áp sát khung thành bê tông kiểu Pháp, đã có thể vượt qua hết mọi rào cản kèm cặp để đối diện cầu môn rồi thì toàn sút ra ngoài. Cái sự dứt điểm thiếu chính xác đó của tuyển Đức, một lần nữa, chỉ là lặp lại từ trận vòng bảng với Ba Lan. Họ đã chơi tấn công rất hay, đã xuyên thủng được hệ thống bê tông 11 người của Pháp, nhưng dứt điểm lại cứ như bị bỏ bùa. Nếu những cú dứt điểm đó là từ những chân sút non nớt thì không nói làm gì, đằng này quá nửa toàn từ những người dày dạn kinh nghiệm. Thôi thì, khi không thể đổ lỗi cho ai được nữa, thì ta đổ lỗi cho các vì sao.

Ừ thì, Pháp đã thắng, với fangirl Đức, trận chung kết đã sớm không còn ý nghĩa gì nữa, nhưng cũng vì Pháp đã thắng, một chân trời mới vừa kịp mở ra cho antifan chân chính của Rô dẹo.

Mấy ngày nay nằm gai nếm mật, Bồ Đào Nha đá mấy trận liên tiếp mình đều cố kiềm nén không ship hành, không rủa sả chị dẹo. Tất cả đều là vì tích đức, nhưng bây giờ đến Đức cũng không còn ở cái EURO này nữa thì tích cái gì nữa đây, cho nên mình xõa đây!

Một bộ mặt khác của mình, bên cạnh fan Đức, là bộ mặt chân chính của một antifan Rô dẹo. Không làm fan được nữa, thì làm antifan. Cristiano Ronaldo, em quay trở lại với chị đây! Chị hãy chờ em nhé, em sẽ ship hết hành tích trữ sang Paris cho chị!

Cảm giác được là chính mình thật thích!

Bây giờ có hai kịch bản như sau ở trận chung kết

  • Pháp vô địch: Antifan Rô dẹo dĩ nhiên sẽ vui như được mùa.
  • Bồ Đào Nha vô địch: Fan Đức sẽ thở phào nhẹ nhõm vì thà thua Pháp còn hơn thua Bồ.

Đó, kịch bản nào xảy ra thì trận chung kết cũng tràn ngập tính giải trí! Tội gì mà lại không xem? Mà đã xem thì tội gì không viết lảm nhảm? The show still survives!

Thôi kết lại cái ngày bi thương hôm nay bằng một vài nét chấm phá cần phải chấm và phá ở trận đấu vừa diễn ra:

1/ Kimmich là Kimmich, Lahm là Lahm. Không có chuyện nhìn hình người này thấy bóng người kia đâu!

2/ Schweinie anh ơi đừng đau lòng. Thiết nghĩ nỗi đau mà anh phải trải qua cũng nhiều rồi. Bóng đá là vậy, không phải cứ ăn thẻ là sai, không phải cứ bóng lỡ chạm tay thì nên dằn vặt quá lâu. Fangirl không bao giờ trở mặt với anh vì quả Penalty đó đâu!

3/ Bạn Griezmann, nhìn bạn ghi bàn hai lần và ăn mừng như được mùa, mình lại bất chợt nghĩ đến Podolsky khi ghi bàn vào lưới Ba Lan đã phải bật khóc. Chỉ là chợt nghĩ thôi, không có ý so sánh, tại vô tình search ra cái gốc Đức của bạn, và vô tình ghi nhớ hình ảnh bạn ăn mừng bàn thắng dễ thương như thế nào. Anyway, khen dễ thương là khen thiệt, trận sau mình vì chị dẹo mà sẽ cổ vũ cho bạn ghi bàn tiếp, ráng vua phá lưới luôn đi nha!

4/ Hôm nay Đức đá với Pháp, mà thấy nguyên tổ trọng tài toàn người Ý là thấy có mùi rồi. Cuộc tình dù đúng dù sai, thì trọng tài hôm nay vẫn là kẻ thiên vị.

5/ Ít nhất mình cũng được xem những hai trận loại trực tiếp với người Đức, được một lần đeo cái hairband cờ Đức lên đầu, còn được cổ động viên Pháp xin chụp hình lại nữa. Cho nên hôm nay dù buồn, mình vẫn thấy hạnh phúc vì được là một phần của nỗi buồn Đức.

Mộc Hân,

Bochum,

1:06, 08/07/2016