Giãn cách xã hội thì đọc gì?

Hôm nay đã được một tuần từ ngày Sài Gòn lên chỉ thị 16, cũng là tròn sáu tuần mình tự cách ly ở nhà.

Vốn là một người hướng nội, việc ở nhà với mình cũng không đến nỗi quá tệ. Điều bận lòng duy nhất có lẽ là nỗi nhớ da diết những chuyến đi, mà trước dịch mình đã cố gắng kỷ luật mỗi tháng đều đi một lần, vì sợ không biết khi nào thì lại không được đi nữa, như lúc này!

Chỉ thị 16, tuy vậy, không thể phong tỏa luôn tâm trí của chúng ta. Mỗi người sẽ có một cách khác nhau vượt qua giai đoạn này, để duy trì và cân bằng cuộc sống, mà một trong những cách cổ điển nhất mình muốn chia sẻ ở đây chính là đọc sách!

Hôm nay mình lựa ra 5 cuốn sách, đại diện cho 5 hành trình tâm trí mà mình trải nghiệm khi ở nhà. Mọi người có thể không thích đọc sách, cũng có thể không thích những hành trình này, nhưng hy vọng chia sẻ của mình sẽ tạo được cảm hứng để mọi người tìm thấy hành trình phù hợp!

Cuốn thứ nhất: Khoa học về Yoga – Ann Swanson

Bạn có thể thích đọc sách, hoặc không; cũng có thể thích Yoga, hoặc không; nhưng quan trọng là luôn có cách để ta vận động mỗi ngày. Đừng quên vận động và tập luyện chính là điều quan trọng nhất cần phải duy trì trong những ngày tháng lockdown.

Với mình thì mình tập Yoga!

Mình chọn đọc cuốn sách này, trước hết vì nó đẹp! Một cuốn sách không chỉ ngập trong chữ và lý thuyết, mà mọi trang đều là hình vẽ các tư thế Yoga cơ bản với chi tiết về giải phẫu cơ thể người.

Hình thức của cuốn sách gợi nhớ đến những cuốn tập ghi chép môn Sinh Học đầy hình vẽ thời trung học, nhưng ở một cấp độ mỹ thuật chi tiết hơn rất nhiều. Nhìn cái bìa, đại khái mọi người cũng tưởng tượng được bên trong trông như thế nào.

Kèm theo từng hình ảnh là chú thích chi tiết, khoa học về các cơ quan và cơ chế kích hoạt của tư thế Yoga lên cơ quan đó. Nhờ vậy, mình có thể dễ dàng chọn ra tư thế phù hợp để luyện tập, và điều chỉnh sao cho đạt hiệu quả cao nhất tương ứng với thể trạng của mình.

Đây là một cuốn sách để thực hành, không phải chỉ để đọc. Và người viết cuốn sách này, không mấy ngạc nhiên, đã có một hành trình cuộc đời đầy thú vị trước khi tạo ra được content thực hành trực tiếp, khoa học và hiệu quả bằng hình thức viết sách này.

Một cô gái có bố làm việc cho NASA, bản thân thì theo học ngành nghệ thuật, nhưng sự va vấp sớm bởi đống lý thuyết quá nặng nề ở trường đại học đã thúc đẩy cô tìm đến Yoga nhưng một liệu pháp chữa trị, và hành trình nối dài đến tận dãy Himalaya, qua thêm mười năm tìm hiểu, nghiên cứu và thậm chí là học thạc sỹ chuyên ngành Yoga, trước khi cô viết ra cuốn sách này.

Luôn có một lý do cho một thành quả kết hợp nhiều yếu tố, mà trong trường hợp của suốn sách này là khoa học, mỹ thuật, và tính ứng dụng. Lý do đó chính là trải nghiệm cuộc đời nhuốm màu định mệnh, nhưng ở tận cùng nơi bắt đầu cuộc hành trình, luôn là tiếng gọi của giá trị cốt lõi và khát khao được đi đến tận cùng vấn đề tồn tại bên trong mỗi con người.

Cuốn thứ hai: Đông Dương tráng lệ – Pierre Dieulefils

Mỗi khi được ở một mình trong một thời gian đủ dài, mình hay nghĩ về chính mình như một lữ khách trong một chuyến đi dài từ quá khứ đến hiện tại, và tự hỏi bản thân muốn đi đến những đâu trong tương lai. Dòng suy tư ấy đến một cách rất tự nhiên trong điều kiện giới hạn kết nối với xã hội để tăng tính kết nối với bản thân, và mình biết là dòng chảy đó cũng sẽ đến với mọi người trong quãng thời gian giãn cách có cùng điều kiện này.

Cho nên, cuốn sách thứ hai, được viết bởi một người đàn ông sống cách đây khoảng 100 năm, sẽ đem đến hai góc nhìn thú vị: về những trăn trở tạo ra cuộc hành trình, và về những giá trị mà quá khứ có thể đem lại cho hàng chục năm về sau.

Đây là một cuốn sách ảnh, toàn bộ đều là ảnh đen trắng, chụp lại mọi khoảnh khắc về non nước, công trình, con người Việt Nam tại những nơi mà tác giả người Pháp có dịp đến thăm thú. Bất cứ ai ở Việt Nam khi đọc cuốn sách này đều sẽ tìm thấy vết tích quá khứ của một địa điểm quen thuộc nào đó, hoặc đôi khi chỉ là mỗi cái tên địa danh còn tồn tại đến tận ngày nay.

Cảm giác trực tiếp nhất mà những tấm ảnh đem lại chính là tác động khủng khiếp của thời gian, sự xoay vần liên tục cuốn theo lớp lớp thay đổi, không chừa lại bất cứ thứ gì nguyên vẹn thư nó đã từng. Bằng một cách nào đó, cảm giác này hóa ra lại đem đến một sự trấn an tinh thần, vì hiện tại cơn bão thay đổi đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết ở thời đại này.

Người đàn ông Pháp chụp nên những bức ảnh tráng lệ xứ Đông Dương cũng đã có một hành trình kỳ lạ. Vào những năm tháng trẻ trung nhất của cuộc đời, ông bị mắc kẹt trong quân ngũ nơi xứ lạ (Hà Nội), để rồi khi may mắn trở về được đất Pháp, ông lại quyết định quay trở lại Hà Nội, bắt đầu cuộc sống của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.  

Thật khó để có thể so sánh chuyện mắc kẹt hai năm trong quân ngũ với chuỗi ngày tự cách ly ở nhà vì dịch bệnh, nhưng nếu quãng thời gian ấy được tận dụng tốt để chiêm nghiệm, sau khi thoát ra trở lại, biết đâu lại là nơi một hành trình kì diệu hơn được bắt đầu.

Cuốn thứ ba: Bản Đồ – Aleksandra Mizielińska và Daniel Mizieliński

Mình mua cuốn sách này từ đợt giãn cách năm 2020 cách đây hơn 1 năm, lúc mua cũng không tưởng tượng được là tận một năm sau vẫn phải lật giở từng trang mà tiếc nuối cái thời còn được bay đi khắp nơi một cách dễ dàng.

Nếu bạn cũng như mình, đã từng có cơ hội được đi nhiều, và đang cảm thấy nhớ những chuyến đi đó, xem bản đồ cũng không hẳn là một ý tưởng quá cũ, dù là bản đồ gì!

Đây tiếp tục là một cuốn sách với phong cách minh họa bằng hình vẽ, và lần này hoàn toàn không có thông tin chú thích gì nhiều hơn là tên địa danh và từ khóa về các đặc điểm văn hóa, địa lý khu vực.

Đúng với tên gọi Bản Đồ, tập sách này là tổng hợp của 52 tấm bản đồ từ 52 quốc gia và khu vực chọn lọc, toàn bộ đều là bản in từ nét vẽ tay của các tác giả. Ngoài gợi mở kiến thức thường thức về địa lý và địa danh như mọi tấm bản đồ khác, nét vẽ tay trong cuốn bản đồ này trái lại mang rất nhiều dấu ấn mỹ thuật cá nhân. Nó thể hiện rõ nét góc nhìn cá nhân về những đối tượng thường thức, đem đến trải nghiệm khám phá thế giới bằng góc nhìn của người khác. Điều này khiến cho tính hoài niệm trong mình được thúc đẩy thành khát khao được tiếp tục khám phá lại một nơi nào đó đã từng đi qua, như khi mình nhìn thấy hình minh họa về trượt tuyết trên núi ở Thụy Sĩ, mình ngay lập tức có cảm giác muốn được trải nghiệm lại cái lần leo núi tuyết và xuống trạm lúc trăng non vừa qua khỏi rặng núi.

Một hệ quả tất yếu từ việc xem cuốn sách này từ năm ngoái, là ngay sau khi lệnh giãn cách được tháo dỡ, mình đã lên kế hoạch mỗi tháng đi trekking và cắm trại một lần, ở mọi nơi trong nước mà mình có điều kiện đi. Điều tất yếu tiếp theo là chỉ sau 4 chuyến đi như vậy, rất nhiều thay đổi tích cực đã xảy ra và tác động không nhỏ đến cuộc sống của mình.

Thật khó có thể diễn tả ở nơi bắt đầu, cái gì thúc đẩy mình quyết định đi nhiều hơn, nhưng việc đọc cuốn sách này có góp một phần cơ duyên trong đó.

Cuốn thứ tư: Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp

Mình mua cuốn sách này một cách rất tình cờ, khi đọc được câu chuyện ứng dụng mỹ thuật truyền thống vào minh họa đương đại của họa sĩ Tạ Huy Long (người minh họa cho cuốn sách) trên một fanpage Facebook về Mỹ Thuật. Cái tên “Lĩnh Nam Chích Quái” có thể không mấy quen thuộc với những ai không theo dõi cổ phong Việt Nam, nhưng nếu mình nhắc đến Lạc Long Quân, Âu Cơ, Mỵ Châu, Thánh Gióng, thì đó chính là những câu chuyện mà hầu hết mọi người đều biết, được kể lại bằng chữ và tranh minh họa trong cuốn sách này.

Lý do chính mình đem tựa sách này lên đây chia sẻ, thật ra không nằm ở nội dung cuốn sách. Vào cái hôm mình khoe cuốn sách với thằng cháu đang học tiểu học và hào hứng hỏi nó học “Con Rồng cháu Tiên” chưa, mặt nó lập tức đần ra trong 3 giây trước khi trả lời là chưa học!

Ở chính cái khoảnh khắc đó, mình nhận ra không phải cái gì tuổi thơ của mình có thì của những đứa nhóc cách mình hơn 20 năm cũng có. Phần khó khăn hơn, có lẽ là làm sao để biết được tuổi thơ của tụi nó có những gì mà mình không có!

Một trong những thay đổi rõ ràng nhất của giãn cách xã hội chính là thời gian tiếp xúc giữa các thành viên trong gia đình được tăng lên tối đa. Nó có thể là một món quà hay là bi kịch, tùy vào cách nhận thức và xử lý của mỗi người, nhưng dù là gì đi nữa thì khoảng cách giữa các bên luôn luôn tồn tại.

Đôi khi, tìm một cuốn sách có thể cùng nhau đọc, kể cho nhau nghe, lại giúp xóa bỏ phần nào những khoảng cách đó, gợi ra những cơ hội để hiểu nhau nhiều hơn, như cái cách mà mình hiểu được hóa ra đám cháu nhà mình chưa từng được nghe những câu chuyện thần thoại vậy.

Cuốn thứ năm: Chúa tể của những chiếc nhẫn – J.R.R. Tolkien

Nói về hành trình mà bỏ qua cuộc hành trình kỳ vĩ đậm tính sử thi trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” thì sẽ là một thiếu sót rất lớn. Nói về sức mạnh của tâm trí mà bỏ qua trường hợp này thì càng là một thiếu sót lớn hơn.

Trong số tất cả những cuốn tiểu thuyết mà mình từng đọc, chưa có trường hợp nào vượt qua được “Chúa tể của những chiếc nhẫn” về đỉnh cao sáng tác và sáng tạo, mạn phép so sánh luôn cả với những bộ trường ca đồ sộ nhất từ các nền văn hóa Hy Lạp, Đông Á, hay Ấn Độ. Chưa từng có một tác phẩm nào khác mà sự sáng tạo trong hư cấu đạt đến độ hoàn hảo như Chúa Nhẫn.

Một thiên trường ca hoàn toàn không có thật, nhưng có hệ thống nhân vật gắn với không gian lịch sử, văn hóa, thậm chí ngôn ngữ, một cách hòa hợp không tì vết. Thật khó tưởng tượng nổi phải là một bộ óc vĩ đại như thế nào và một tình yêu lớn như thế nào mới có thể sáng tạo ra được thế giới sống động và hoàn chỉnh như vậy.

Vì những lý do đó, J.R.R. Tolkien, xứng đáng được xem như Chúa Trời của dòng văn học kỳ ảo.

Lý do bộ tiểu thuyết này nằm ở cuối danh sách của ngày hôm nay, trước hết là vì nó minh chứng cho thấy sức mạnh tâm trí mà con người có thể đạt được khủng khiếp như thế nào. Nó có thể vẽ ra cả một thế giới không có thật bằng một cách như thật!

Nhưng cái thứ hai, đi vào trọng tâm đang được chia sẻ hơn, là một gợi ý mà mọi người có thể cân nhắc đến trong mùa dịch: học ngoại ngữ.

Tình yêu ngôn ngữ của J.R.R. Tolkien lớn đến mức ông tự sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của các tộc người trong truyện. Mình vốn không có được tình yêu lớn đến thế, nhưng chí ít mình được truyền cảm hứng để cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình. Đọc lại bộ Chúa Nhẫn bằng tiếng Anh sẽ là một thử thách khá nhọc nhằn, nhưng vì đang trong mùa dịch và không thể đi đâu, một hành trình ngôn ngữ nặng nhọc cũng là một ý tưởng đột phá.

Phần kết

Thì thật ra là, như mọi người cũng đã nhận thấy rồi, mình chia sẻ 5 cuốn sách, không đơn thuần chỉ là cụ thể 5 cuốn sách đó. Cái cốt lõi mà mình muốn gợi ý là những hoạt động mà mọi người có thể tập trung trong khoảng thời gian ở nhà này:

  • Tập luyện sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu, vì sẽ không có một thể chất bệ rạc nào có thể chứa được một cái đầu minh mẫn.
  • Tự kết nối với chính bản thân bằng cách chiêm nghiệm về quá khứ, liên kết với hiện tại, và lên kế hoạch cho tương lai là điều tiếp theo không thể bỏ qua, đặc biệt trong lúc mà chúng ta tạm thời tắt bớt các kết nối với xã hội để có thể lắng nghe chính mình nhiều hơn.
  • Duy trì sở thích của bản thân, dù đó có thể là một sở thích mà hiện tại mình khó lòng làm gì khác hơn là lên kế hoạch, để sẵn sàng quay trở lại ngay khi có thể.
  • Sử dụng quãng thời gian chung sống với các thành viên khác trong gia đình một cách hiệu quả, tìm hiểu nhau nhiều hơn, trao cho nhau nhiều câu chuyện và cơ hội hơn, giúp nhau xóa bỏ đi những khoảng cách.
  • Cuối cùng, hãy tìm thêm một “hành trình” mới mẻ có tính thử thách cao để làm, để đến khi hết dịch, chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện và mạnh mẽ hơn. Biết đâu được, những cơ hội mới cũng sẽ bất ngờ tìm đến!

Chúc mọi người sớm tìm được lộ trình phù hợp, và cố gắng trải nghiệm giai đoạn này tích cực nhất có thể! Cùng nhau mạnh mẽ hơn nữa nào!

Mộc Hân,

Sài Gòn – những ngày giãn cách

Chúa Nhật, Ngày 18 Tháng 7, năm 2021

Đôi điều vắn tắt về “Chúa tể những chiếc nhẫn”

… Mà thực ra là không “vắn” lắm đâu!

Chuyện là, sau một thời gian dài im ắng vì nhiều nguyên do mang tính chất hiển nhiên, mình cũng kịp đọc trọn hai tập của tiểu thuyết “Sáu người đi khắp thế gian” (Tên gốc: The Drifters, tác giả: James A. Michener, một tác giả người Mỹ). Lúc vừa đóng sách, ý tưởng viết review ngay thật sự rất hấp dẫn, nhưng do lượng thông tin và kiến thức cùng khối mâu thuẫn đồ sộ mà cuốn sách mang lại vẫn chưa kịp lớp lang thấm vào não, mà cuối cùng cảm xúc cũng phải đầu hàng trước ý thức, khiến bài review chẳng có gì hơn ngoài vài dòng đã viết vội cách đây bốn năm, khi nó bắt đầu được đọc.

Nếu còn điều gì có thể bổ sung ngắn gọn về nó, thì đây: lôi cuốn, bổ ích, và cực kỳ khó đọc. Bài review hoàn chỉnh cho nó, đành phải hẹn lại vào một dịp thong thả khác, khi thời gian cho phép mọi thông tin và cảm xúc được sắp xếp ngăn nắp hơn trong đầu!

Còn bây giờ, tiêu điểm của đợt trở lại lần này trọn vẹn thuộc về “Chúa tể những chiếc nhẫn” (tựa gốc: The lord of the rings, tác giả: J. R. R. Tolkien, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, tiểu thuyết gia người Anh), hay ngắn gọn và thuận tiện hơn, mình sẽ gọi là “Chúa Nhẫn”.

Mình đọc bản dịch của Nhã Nam, chính là phiên bản đã gây ra hẳn một trận sóng gió khi vừa trình làng, về vấn đề dịch thuật. Cá nhân mình, mình cảm thấy bản dịch này thật sự rất có tâm, và không có gì đáng phải lên án, có chăng là do vấn đề lắt léo và đa nghĩa của ngôn từ, mà sự khác biệt trong kinh nghiệm sống đã khiến một vài độc giả trở nên quá khắt khe, đến mức đánh giá từ ngữ ấy vượt ra ngoài ý nghĩa ban sơ của nó. Nói cách khác, với một người đầu óc trong sáng về mặt ngôn ngữ, thì sẽ chẳng mảy may phiền hà hay bận lòng gì khi bắt gặp những “Thung Đáy Khe”, “Bao Gai” hay “Dãy Lộn Bao”, chẳng những chuyển tải đúng nghĩa gốc của từ, hơn nữa còn chuyển tải được cả cái không khí mà hệ từ ấy đem lại, mà mình vụng nghĩ là rất sát với ý đồ của ngài Tolkien, chẳng qua do khác biệt về hệ ngôn ngữ Âu – Á mà thành ra không trọn vẹn.

Dài dòng như vậy để biện bạch thay cho đội dịch thuật thực ra vẫn là chưa đủ, nhưng vì mình chỉ đang đọc tới cuốn thứ hai của bộ tiểu thuyết này, mà tiêu đề bài viết cũng là “vắn tắt”, nên có lẽ vấn đề dịch thuật nên tạm dừng ở đây, rồi trước khi rời đi, mình cũng xin để lại lời cảm ơn chân thành đến đội dịch thuật của Nhã Nam đã tạo điều kiện cho mình được đọc một bộ tiểu thuyết kỳ ảo hay đến rụng rời như vậy, bằng tiếng Việt!

Thật ra, mình nghĩ rằng, một trong những nỗi cô độc nhất ở đời là khi người ta cực kỳ hưng phấn mà không có ai để chia sẻ. Tình trạng của mình hiện giờ chính là như vậy, mà đó cũng chính xác là lý do mình buộc phải viết về “Chúa Nhẫn”, ngay cả khi chưa đọc xong!

DSC03984_Fotor

Học tập người Hobbit, dùng bữa trà chiều, với trà xanh Matcha tự pha, bánh Brownie tự làm, và cuốn thứ hai của series The Lord of the Rings_The two towers.

Cầu Chúa xót thương cho tâm hồn thuần phác của mình, mình nhấn mạnh mình là một con fangirl không hơn không kém, như mình đã nhấn mạnh hàng chục lần trước đây. Và rằng mình có thể cược hẳn một nghìn ăn một, ngài Tolkien hẳn phải là một bậc thiên tài có tầm nhìn bao quát đến cả một thế kỷ khi viết “Chúa Nhẫn”, cuốn tiểu thuyết mà ở thời điểm nó ra đời hẳn phải dành cho bọn con trai, nhưng sau một vài thập kỷ chóng vánh đã trở thành thánh địa cho đám fangirls hào hứng đẩy từ thuyền bè đến hàng không mẫu hạm của chúng ra khơi, bén gót cái thuyền vượt đại dương đi về vùng đất bất tử của chàng Tiên Rừng Legolas và gã Người Lùn Gimli.

Mà đấy là mình chưa nhắc nhở gì đến Frodo và Sam đấy nhé, nếu có ai đó đồng hội đồng thuyền với mình!

Mình thậm chí dám cá luôn, rằng “Chúa Nhẫn” mà không có Legolas với Gimli, thì xem như toi hẳn nó ba phần tư sức hút và tính thời đại, cho phép mình gom luôn cả tính nhân văn vô đây, vì tình bạn cao đẹp hơn cả tình bạn giữa một chàng Tiên bất tử mang vẻ đẹp hoàn hảo không góc chết với một Người Lùn ngoài sự thô kệch mà fan tự liên tưởng ra thì ngay cả Tolkien cũng chẳng màng mô tả gì nhiều hơn về ngoại hình của gã, cái tình bạn hơn cả tình bạn giữa một đôi đũa, e hèm, nếu vẫn còn có thể gọi là đôi đũa, lệch như vậy, mình thấy thậm chí còn cảm động hơn cả tình yêu kiểu Shakespeare giữa chàng Romeo và nàng Juliet. Nhân văn là ở chỗ đấy đấy!

Nếu cuốn một “The fellowship of the ring”, hay Nhã Nam họ đã xuất sắc dịch thành “Đoàn hộ nhẫn”, là mảnh đất tốt để nảy nở mối thiện cảm về sự thắm thiết không thể chia lìa của Frodo và Sam, thì hơn nửa cuốn hai lại trở thành đất diễn cho bộ phim tình cảm mãnh liệt giữa Legolas và Gimli. Mặc dù thực ra Aragorn mới là nhân vật đinh của bộ tiểu thuyết này, nhưng có lẽ thời của chàng đã qua rồi, thật tiếc khi phải nói vậy, và chàng đành phải ngậm ngùi làm ngọn đèn soi sáng cho Legolas và Gimli. Số phận của Aragorn ở thời đại này xem ra vẫn chưa phải tệ lắm, ít nhất là so với quý ngài Gandalf quyền năng, hay cả khu rừng đầy rẫy những người Ent, hay thậm chí là đám Orc từ Isengard, thảy đều phải chịu kiếp làm nền cho Legolas và Gimli tung hứng tình đồng đội của họ, nếu bạn vẫn còn muốn tin đấy là tình đồng đội!

Không tin ư? Hãy cứ đọc “The two towers”, hay được dịch thành “Hai tòa tháp”, tức cuốn hai, và cứ đợi đến chương “Hẻm Helm” và chương “Đường đến Isengard” mà xem! Theo mình, đó chính là hai chương mà mối quan hệ giữa Legolas và Gimli được tác giả nhiệt tình tô vẽ thắm thiết nhất, dĩ nhiên sau đó biết đâu sẽ còn thắm thiết hơn nữa, vì mình chỉ vừa đọc được hơn khoảng đấy một, hai chương mà thôi.

DSC03989_Fotor

Dưới nắng chiều hầm hập tỏa vào bầu không khí ẩm ướt và oi bức, giữa một mùa hè nhiệt đới trái mùa, thì vị trà Mỹ kiểu Nhật đựng trong cái tách gốm kiểu Việt cùng với vị Brownie ngọt gắt kiểu Mỹ càng khiến cho bóng hình chàng Legolas trở nên xa xăm diệu vợi trong trí tưởng tượng bị ngăn trở bởi không thời gian chật vật, đặc biệt đối với một Con Người đang học đòi Hobbit và tơ tưởng đến chàng Tiên Rừng xứ Âm U.

Chẳng phải hành trình phục quốc của Aragorn, quyền phép dai dẳng của Gandalf, mấy cái nhẫn của Sauron hay vẻ đẹp của phu nhân Galadriel, mà chính là mối tình (mà các bạn có thể điền vào bất cứ loại tình cảm nào mấy bạn thích, nhưng ở đây mình vẫn dùng từ “đồng đội”, để tôn trọng cách thức mà hai người ấy gọi nhau trong truyện) giữa Legolas và Gimli, mới là điều thúc đẩy mình phải đọc Chúa Nhẫn đến cùng, ít nhất là ở thời điểm này, chính xác là ở đoạn giữa chương “Những thứ trôi nổi”.

Có lẽ, bạn sẽ tìm thấy được một điều tâm đắc nào đó khác từ Chúa Nhẫn, vì nó vốn là cả một kho tàng tâm đắc suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi nó được xuất bản. Có lẽ bạn sẽ tìm thấy chính mình trong cuộc hành trình hoặc trong một nhân vật nào đó giữa hệ thống nhân vật chính khá đông đảo của Chúa Nhẫn. Riêng mình, mình cá là sau khi đọc xong, khát khao lớn nhất mà Chúa Nhẫn gieo vào lòng mình, là phải tìm ra một chàng Legolas cho riêng mình, với tư cách là một người như gã Người Lùn Gimli vậy!

Cứ mơ đi, vì cuộc đời cho phép!

Và cả ngài Tolkien nữa!

Mộc Hân

Sài Gòn, mười hai giờ đêm, 07/04/2017

Ngắn gọn về “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính

24 vẫn chưa quá hạn để rong chơi.
Nhưng tôi muốn rong chơi suốt cuộc đời!
Trải những hội hè đến tận khi đơn độc,
Chỉ đời này đủ độ lượng cho tôi mãi rong chơi.

Nhập đề có vẻ không liên quan nhưng mà hôm qua đọc cuốn “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính hay quá đi mất! Sách viết từ tận những năm 1915 mà đọc vào một vài đoạn cứ có cảm tưởng như nội dung phản ánh chính xã hội thời hiện đại này vậy. Tuy vẫn chưa đọc xong nhưng có một vài ấn tượng sau đây, không viết ra có khi lại quên mất.
1/ Người Việt rất giỏi giữ gìn văn hóa và bản sắc dân tộc, có một vài tục lệ đến giờ vẫn còn.
2/ Chính vì quá giỏi giữ gìn bản sắc dân tộc nên cả những cái xấu cũng vẫn còn lì lợm lưu giữ đến tận ngày nay.

3/ Hóa ra người Nhật họ văn minh và có ý thức từ tận 100 năm trước rồi, chỉ cần nhìn cái so sánh phong tục tang ma của hai nước thôi, sẽ thấy! (xem trang 29)
4/ Ngay từ năm 1915 đã có một người Việt Nam xuất thân Nho học có tư tưởng rất tiến bộ như Phan Kế Bính, thậm chí còn tiến bộ hơn một vài trường hợp mà tôi đã gặp ở thời hiện đại này. Vậy mới hay, Việt Nam không thiếu nhân lực, chỉ thiếu động lực và một nền giáo dục tốt.
5/ Cuối cùng, thật sự hơi buồn khi đọc quyển sách này. Buồn là vì không hiểu tại sao 100 năm trước những tư tưởng của Phan Kế Bính đã được chấp nhận rộng rãi, nhưng đến tận bây giờ thì có những góp ý, so sánh, phê phán và đề xuất của ông trong cuốn sách này vẫn chưa được hiện thực hóa. Lẽ nào là do chúng ta chỉ chuộng lý thuyết, thấy lạ thấy hay thì vỗ tay khen, còn làm theo thì kiên quyết không làm ?!?! Tóm lại, người Việt mình nhiều khi quá kiên quyết, quá kiên trì, thành ra cũng lì lợm và bảo thủ kinh khủng.

Vì chưa đọc xong trọn vẹn nên tạm dừng review ở đây thôi, khi nào đọc xong rồi sẽ viết tiếp.

Mộc Hân

Thành phố Mới Bình Dương,

10:10 AM

5/5/2015

P/s: Viết xong mới thấy, ngày đẹp như này mà phải đi ôn thi!

Đôi lời cho “Chiếc lư đồng mắt cua”

Tôi quý văn phong của cụ Nguyễn Tuân đã lâu, nhưng để gọi là hiểu về cái văn phong ấy, dù chỉ là trong thuở ban đầu mới tạo hình, thì phải đến tận những ngày Tết Ất Mùi 2015. Ở đây, tôi xin mạnh dạn mạn phép dùng từ “hiểu”, bởi vì trong “Chiếc lư đồng mắt cua”, có một tôi – Nguyễn Tuân hãy còn rất trẻ, rất hoang mang và cũng rất bế tắc, hệt như tôi bây giờ vậy! Ngẫm lại mà xem, ai cũng đã từng một lần tuổi trẻ như vậy, chỉ là hình thức khác nhau muôn hình vạn trạng mà thôi.

Một đêm khó ngủ, tôi lấy ra từ bàn sách cuốn “Chiếc lư đồng mắt cua”, nhân nói về cuốn sách ấy, tự tôi cũng thấy có một chút thẹn khi lần đầu nhìn thấy nó ở hội sách, tôi đã đắn đo cân nhắc những ba bốn bận, cầm lên đặt xuống rồi lại nhẩm tính tiền trong ví, dù nó chẳng đáng bao nhiêu, về sau mới quyết tâm mua cho bằng được, đổi lại phải ngậm ngùi đặt cuốn “Hội hè miên man” lại trên kệ sách với cái hẹn “lần sau” lần thứ năm hay sáu gì đó. Cho nên, mua sách cũng phải có duyên là vậy! Lại nói về cái đêm khó ngủ, nói thật lòng, vì là thể loại tự truyện, “Chiếc lư đồng mắt cua” tuyệt đối không phải loại sách có mạch dẫn gay cấn gì, càng không phải loại sách khiến người ta thức trắng đêm để đọc một mạch, và dĩ nhiên cũng không phải sách dễ đọc. Biết là thế, nhưng lúc ấy tôi lại ngu si cho rằng mình cần một cái gì đó để dỗ ngủ, dễ ngủ, mà không đánh giá hết được sức hút của cuốn sách, để rồi khi nhìn lại, đồng hồ trên tường đã quá hai giờ khuya được mười lăm hai chục phút, còn chữ trong sách cũng đã cạn đến âm tiết cuối cùng. Cái cuốn tôi đi một mạch hết cả cuốn tự truyện, nửa phần là văn phong chữ nghĩa, nửa phần là cái đầu tỉnh táo càng đọc càng tỉnh của mình, chứ không hẳn vì những cái “bế tắc”, “hoang mang” hay “trụy lạc” mà người ta thường gán cho “Chiếc lư đồng mắt cua”.

Nguyễn Tuân hay được ca tụng là bậc thầy sử dụng tiếng Việt, còn tôi, tôi lại cho rằng cụ là một tay chơi tiếng Việt thứ thiệt! Đọc văn Nguyễn Tuân giai đoạn này, tôi không thể không nghĩ đến Nguyễn Công Trứ, tạm bỏ qua những đàn ca hát xướng, những bế tắc vô định toát ra từ nội dung, duy chỉ xem xét cái khí chất dụng văn, thì cả hai đều ngông không chịu nổi. Ngông là sao? Ngông là mặc kệ hết những cái ước lệ phàm tục đi, mặc kệ hết những cái quen thuộc phổ biến đi, từng câu từng chữ dù chỉ là để nói đến những cái quen thuộc, cũng phải làm sao cho nó trở nên khác thường, để rồi cũng cùng là đặc tả cái sự vật ấy, cái cảnh tình ấy, cái cảm xúc ấy, nhưng ấn tượng do ngôn từ gây ra lại mạnh đến mức như lấy búa mà giáng vào đầu chứ không đơn thuần là thấm nữa! Thô bạo như vậy, khác thường như vậy, thì không phải là bậc thầy, ấy là tay chơi mới đáng! Bậc thầy, họ xem ngôn ngữ như đền thờ, còn tay chơi, họ xem ngôn ngữ như cái thú. Ở đền thờ thì không được ngông, nhưng đã là thú chơi thì càng ngông mới gọi là sành sỏi. Để minh họa cho cái sự ngông này, chẳng cứ phải tìm phải nhớ, chỉ cần tùy tiện lật bừa một trang, rồi ngồi cất công gõ lại để mọi người cũng thưởng lãm: Đọc tiếp “Đôi lời cho “Chiếc lư đồng mắt cua””

Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 4: Cánh buồm đỏ thắm]

4./ Cánh buồm đỏ thắm – Aleksandr Grin 

Với “Cánh buồm đỏ thắm”, tôi chỉ mất khoảng sáu tiếng để đọc (dàn trải ra ba ngày), nhưng sẽ dành cả đời để nhớ; hệt như những câu chuyện cổ tích, chúng thường rất ngắn để đọc, nhưng ấn tượng thì luôn đủ dài để ta phải nhớ đến cả đời.

Cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho trường phái tân lãng mạn, nói một cách dễ hiểu, lại là một câu chuyện cổ tích mới: vừa gần gũi, vừa xa xôi; vừa thực thế, nhưng cũng vừa mơ mộng. Cốt truyện hết sức đơn giản, chân phương, không cầu kỳ, với lối viết thẳng thắng, mạnh mẽ, không ủy mị, biến tất cả những công chúa cùng hoàng tử cao sang xưa cũ trở nên thực tế, dữ dội và đầy cá tính ở ngoài đời thực. Trong cái không gian mơ hồ khó xác định năm tháng nơi chốn nhưng rõ ràng mang dáng dấp hiện đại với những máy bay cùng châu Mỹ được nhắc đến ấy, mụ phù thụy được cụ thể hóa thành sự ích kỷ và hời hợt của con người, quả táo độc được cụ thể hóa thành cuộc sống khắc khổ nghèo mạt, những ông tiên nữ thần được cụ thể hóa thành những người kể chuyện rong, người bán than với “phép màu” gieo niềm tin cho những đứa trẻ bất hạnh. Do đó, giữa cái không gian nửa lạ nửa quen ấy, độc giả có thể xác định được những nét cổ tích ở giữa đời thường. Đọc tiếp “Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 4: Cánh buồm đỏ thắm]”

Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 3: Đại gia Gatsby]

3./ Đại gia Gatsby – F. Scott Fitzgerald 

Có lẽ tôi đang trên con đường đi ngược về quá khứ, vì theo thứ tự đọc của bốn cuốn sách, thì cuốn càng về sau lại càng được viết sớm hơn cuốn trước đó, từ vài đến vài chục năm.

Đại gia Gatsby được viết năm 1925, sau Thế chiến thứ nhất và trước Thế chiến thứ hai, vào giai đoạn khởi đầu của thời kỳ đại suy thoái kinh tế, ở nước Mỹ – nơi những giấc mơ trở thành hiện thực, ở trong mơ!

Điểm đầu tiên đặc biệt lôi cuốn tôi ở cuốn sách này là bút pháp miêu tả hết sức thuần thục, chi tiết và sinh động của tác giả, khi mà những cái trần tục và thanh cao nhất đều được lột tả bằng sự uyển chuyển nhưng quyền lực của ngôn từ. Dưới ngòi bút của Fitzgerald, sự xa hoa tột bậc đối nghịch với cái tận cùng nhơ nhớp đều sống động hệt như chúng ta đang được nhìn thấy tận mắt, chứ không phải đang cố sức tưởng tượng dưới tầng tầng lớp lớp những thứ từ vựng khô cứng, vô nghĩa. Bút pháp ấy vừa giàu tính hình ảnh, vừa có một cái gì đó hết sức đột phá nhưng cũng rất chừng mực, cho thấy dường như chính người cầm bút đã nhập vào nhân vật lúc nào không hay, khiến ngôi thứ nhất vì thế lại càng thêm sống động. Đọc tiếp “Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 3: Đại gia Gatsby]”

Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 2: Nhà giả kim]

2./ Nhà giả kim – Paulo Coelho

Khi đọc dòng nhận định mang tính chất lăng-xê ở trang bìa: “Cuốn sách bán chạy chỉ sau Kinh Thánh”, tôi chợt nghĩ đến giai thoại về “con tàu mà Chúa cũng không thể nhấn chìm”. Nhưng sau khi đọc xong “Nhà giả kim”, tôi mới hiểu, thật có căn cứ khi đưa ra nhận định như vậy, bởi toàn bộ cuốn truyện, từng dòng từng chữ, từng nhân vật, đều được nhuộm thắm một màu sắc tôn giáo huyền hoặc và cô đặc đức tin. Tôn giáo và tín ngưỡng cũng như khoa học và giả kim xuất hiện trong cuốn sách không dưới hình thức “độc thần” bác bỏ những tôn giáo khác, trái lại, nó mang hơi thở hòa quyện giữa Thiên Chúa giáo – Hồi giáo – Do Thái giáo, thậm chí là niềm tin của người vô thần, trong một tổng thể yên bình và trí tuệ, đẩy sự giao hòa giữa con người – thiên nhiên – thần thánh lên một đỉnh cao trước giờ chưa từng thấy ở bất kỳ tác phẩm nào khác, trừ Kinh Thánh. Vậy nên, trong một hoàn cảnh tưởng như là kiêu ngạo, sự bán chạy “chỉ sau Kinh Thánh” ấy chỉ đơn thuần cho thấy tính chất phân loại tác phẩm, cùng tầm vóc mà nó xứng đáng được nhận, dĩ nhiên là xếp sau bóng dáng vĩ đại của Kinh Thánh, xét về mặt tư tưởng giao hòa. Đọc tiếp “Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 2: Nhà giả kim]”

Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 1: Từng thề ước]

Như các bạn đã biết, dạo gần đây World Cup đang diễn ra rất náo nhiệt, cho nên kẻ ham vui là tôi đây không thể không tham gia. Blog Mộc Hân độ mười ngày trở lại ken đặc tin tức về các trận cầu, đến nỗi không còn đủ không gian để chen thêm bài viết có chủ đề khác vào. Sau khi cơn cuồng đã tạm hạ nhiệt, để chuẩn bị cho trận cuồng phong Đức – Mỹ tối nay, tôi nghĩ mình nên tĩnh tâm lại đôi ba phần, và tranh thủ chấm phá vài nét đối nghịch vào “bức tranh Mộc Hân” của mình, tôi sẽ viết vài dòng về những cuốn tiểu thuyết mình đã đọc dạo gần đây, trong một khung cảnh hết sức bức bối và với một tâm trạng ức chế kinh niên, khao khát nhiều hơn niềm tin để sống tiếp qua những chuỗi ngày khắc nghiệt đầu tiên trong đời.

[Thật ra đó là một lối nói hoa mỹ của thực trạng sinh viên mới ra trường chưa thể ổn định công ăn việc làm, cố gắng tìm kiếm niềm tin và động lực sống từ những cuốn sách]

Nhìn cái tựa, chắc bạn sẽ nhận ra tên các tác phẩm ấy. Bởi vì có chút khiên cưỡng khi đặt “Từng thề ước” bên cạnh ba tác phẩm tầm vóc kinh điển kia, cho nên tôi quyết định đưa nó ra rìa làm trạng ngữ, bỏ hay giữ cũng chẳng ảnh hưởng đến cấu trúc câu.

Danh sách các truyện, theo thứ tự đọc:

Từng thề ước – Tác giả: Đồng Hoa – Đọc từ tháng 12 năm ngoái đến tận tháng 5 năm nay, phá kỷ lục đọc lâu nhất dành cho một bộ ngôn tình, có lẽ tại vì tôi không hợp với mối tình chiến tranh các kiểu.

Nhà giả kim – Tác giả: Paulo Coelho – Đọc trong một tuần, vì tiếc không muốn đọc hết quá nhanh.

Đại gia Gatsby – Tác giả: F. Scott Fitzgerald – Đọc trong một tuần, tính cả thời gian xem phim bị ngắt quãng.

Cánh buồm đỏ thắm – Tác giả: Aleksandr Grin – Đọc trong ba ngày! Vâng, chỉ cần ba ngày và trung bình mỗi ngày hai tiếng lúc nghỉ trưa.

Sau đây là những ý kiến hết sức chủ quan, chỉ mang tính chất tham khảo. Hy vọng một lúc nào đó, sẽ có một ai đó đồng cảm, dù chỉ là với một vài dòng.

Vì tôi có đánh số chia đề mục và chia bài viết thành 4 kỳ liên tục, nên các bạn cứ theo số theo kỳ mà đọc cảm nhận về câu chuyện mà các bạn quan tâm. Đừng đọc hết nếu không thật sự quan tâm, vì nó sẽ dài lắm! Đọc tiếp “Từng thề ước, Nhà giả kim gặp Đại gia Gatsby cùng đi trên con tàu có Cánh buồm đỏ thắm [Kỳ 1: Từng thề ước]”

Phim Catching Fire và bộ ba tập truyện The Hunger Games

Đã từng hứa là sẽ viết một bài review cho bộ ba tiểu thuyết “Đấu trường sinh tử” nếu phần hai Catching Fire được công chiếu ở Việt Nam, rất may là đã có dịp được thực hiện! Chiều nay tôi vừa xem Catching Fire ở Galaxy Nguyễn Trãi, và vẫn còn muốn đi xem lại lần nữa: không thể ngờ là choáng ngợp, lôi cuốn hơn The Hunger Games nhiều. Bị mỗi cái nhịp phim hơi nhanh, với người chưa đọc truyện hoặc/và chưa xem The Hunger Games thì hơi khó nắm bắt, tiếc 5s cho những ai đã chịu khó đi xem nhưng chưa thể nắm bắt!

Về phim “Catching Fire” vừa xem, thật là thú vị khi xem Jennifer Lawrence – chủ nhân mới nhất của tượng vàng Oscar cho vai nữ chính – diễn xuất kép. Sự tương phản quá đột ngột giữa mỉm cười và gào thét, lộng lẫy và điêu tàn, vinh quang và ô nhục, tỉnh táo và điên loạn, đều được Jennifer lột tả một cách, mà theo tôi là, rất sống động, chân thực và giằng xé.

Cũng thật là thú vị khi được xem những nụ hôn đủ mọi cung bậc trên màn hình lớn: nụ hôn châm chọc (Một ông vật tế nào đó quên rồi – Katniss), nụ hôn dựa dẫm (Katniss – Peeta), nụ hôn vĩnh biệt (Mags – Finnick), nụ hôn tình yêu (Katniss – Gale), tất cả đều là nụ hôn giữa nam và nữ, và tất cả đều là hôn môi! Vì đã xem Catching Fire, cho nên tôi hoàn toàn cho rằng nụ hôn môi nồng nàn, quyết liệt và bất ngờ giữa nam và nữ không chỉ là đặc quyền riêng của tình yêu; trong từng hoàn cảnh, nụ hôn môi luôn mang một màu sắc rất lãng mạn và tình cảm, cũng như mọi loại tình cảm, mọi loại quan hệ trên đời đều có quyền lãng mạn. Đọc tiếp “Phim Catching Fire và bộ ba tập truyện The Hunger Games”

“Bí mật bị thời gian vùi lấp” – bản tình ca dang dở dành cho Lục Lệ Thành, hay là điểm tựa hiện thực cho những giấc mơ hoang đường.

Xin chân thành cảm ơn chị Đào Bạch Liên đã ký tặng và gửi tặng em quyển tiểu thuyết này từ hai nghìn cây số.

 

***Lan man một chút về ngôn tình nói chung và cơ duyên đưa đẩy tôi đến với Đồng Hoa nói riêng. Nếu ai chỉ quan tâm đến Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp và Lục Lệ Thành thì vui lòng kéo xuống dưới, đọc từ đoạn được đánh dấu kép.***

Thói thường, một khi đã vướng vào định kiến thì sẽ rất khó cởi bỏ. Với sở thích đọc sách, tôi cũng có một định kiến, đó là cực kì dị ứng với truyện ngôn tình Trung Quốc. Nhưng, Đồng Hoa là một ngoại lệ.

Rất chủ quan, tôi không thích tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, vì ngại một vài điều như sau:

–       Sến súa.

–       Nhiều cảnh nóng.

–       Dịch ẩu.

Gọi là chủ quan, vì tôi đọc chưa nhiều đầu sách thuộc thể loại này. Tuy nhiên, cũng có thể vì chưa nhiều nhưng hễ cứ đọc là lại gặp một trong ba hoặc cả ba điều trên, nên một cách vô thức, tôi có định kiến với thể loại này. Khoan hẵn bàn đến việc các điều trên có phục vụ gì cho ý đồ nghệ thuật của tác phẩm hay không, ở đây tôi chỉ muốn đi sâu vào cảm nhận cá nhân. Cụ thể, tôi đã đọc Phấn Hoa Lầu Xanh của Tào Đình, tôi thấy nó khá sơ sài cả về nội dung lẫn câu chữ dịch sang tiếng Việt, lặp từ khá nhiều và hầu như không đem lại cảm xúc gì, nhìn chung không có gì đặc sắc. Tôi đã đọc Thương Ly của Tuyết Linh Chi, có khá hơn một chút ở việc khơi gợi cảm xúc, nhưng lại ngập ngụa trong cảnh nóng, làm tôi rất mất tập trung vào việc khắc họa tâm lý nhân vật, nhìn chung không có gì đọng lại.

Tuy vậy, quyển tiểu thuyết đầu tiên đưa tôi đến với thể loại ngôn tình – Bộ Bộ Kinh Tâm – lại là một trong những tác phẩm để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Có lẽ tôi hợp đọc Đồng Hoa, vì hai tác phẩm đọc gần đây đều không vướng phải điều nào trong ba điều tối kị trên. Cũng chính vì hợp đọc Đồng Hoa, nên sau khi buông được Bộ Bộ Kinh Tâm rồi, tôi chạy một vòng từ Phấn Hoa Lầu Xanh đến Thương Ly, ngó lướt sang Tam Sinh Tam ThếHoa Tư Dẫn, rồi chần chừ vài ngày trước Liệt Hỏa Như Ca, sau cùng vẫn là quyết tâm quay về Đồng Hoa để bảo toàn cảm xúc.

Đồng Hoa là tiểu thuyết gia duy nhất, tính đến thời điểm này, có gu sáng tác đủ lôi cuốn để tôi chịu đọc sang đến tác phẩm thứ hai, và vẫn đang dự định đọc tiếp các tác phẩm khác nữa. Đồng Hoa cũng là tiểu thuyết gia duy nhất, tính đến thời điểm này, có sức ám ảnh đủ mạnh mẽ để tôi chấp nhận chủ quan gạt bỏ hết những tác phẩm cùng thể loại của các tác giả khác, chỉ để tiếp tục thả mình trên dòng sông ngôn tình của riêng Đồng Hoa.

Sau Bộ Bộ Kinh Tâm, tôi vốn không kỳ vọng quá nhiều vào Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp, không phải vì tôi hoài nghi vào lựa chọn của mình, mà là vì Bộ Bộ Kinh Tâm đã đem đến cho tôi quá nhiều điều vượt ngoài mong đợi. Thực tế, dường như Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp đã không vượt qua được cái bóng của Bộ Bộ Kinh Tâm về khía cạnh sức ám ảnh, nhưng bù lại, đã khiến cho tâm hồn tôi được nhẹ nhàng thư thái sau khi gập sách lại, điều không thể tìm kiếm ở Bộ Bộ Kinh Tâm. Chí ít, dù Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp là một bản tình ca dang dở, nhưng nó hẳn phải là một bản tình ca rất đẹp trước đã! Còn điều dang dở mà tôi đang muốn nói đến ở đây, chính là nhân vật Lục Lệ Thành.

Lục Lệ Thành hội đủ mọi yếu tố đáng mơ ước của hầu hết các thiếu nữ thời đại: anh ta giàu tình cảm, khéo quan tâm, có sự nghiệp và rất lạnh lùng quyết đoán; mặt khác, anh ta có cuồng loạn, có thủ đoạn, biết nghi ngờ, và cũng rất biết tranh đoạt. Nhưng nghiệt ngã thay, ước mơ của hầu hết các thiếu nữ lẽ ra đã sụp đổ, khi mà Lục Lệ Thành cực kì yếu kém trong việc áp dụng lợi thế của mình vào chuyện tình cảm. Đừng nói với với tôi, tình cảm thì không nên thủ đoạn, không nên nghi ngờ, không nên tranh đoạt, chỉ cần chân thành là đủ,… để bênh vực cho Lục Lệ Thành. Tôi không đủ thẩm quyền phán xét, chỉ biết rằng ngay chính Lục Lệ Thành, song song với chân thành cũng đã giở “thủ đoạn”, cũng “có máu” tranh đoạt và cũng biết nghi ngờ: anh ta làm những việc động trời như dồn Tô Mạn vào chỗ buộc phải làm việc cho mình, “bắt cóc” cô đến nhà riêng của mình ở ngoại ô, đẩy cô đi nước ngoài, giả vờ chấp nhận cùng cô dàn cảnh yêu đương, mượn Tống Dực và Hứa Liên Sương làm cớ để đưa cô về “ra mắt” gia đình …và anh ta thậm chí không chừa đến những tiểu tiết như nhờ người mua sẵn hộp dụng cụ y tế, cố tình trưng ra bộ dạng xộc xệch rướm máu chỉ để tạo điều kiện cho mình được Tô Mạn chăm sóc vết thương. Tôi không lấy làm phiền lòng, ngược lại rất thích những mánh khóe đó của Lục Lệ Thành, miễn là đến chừng nào anh còn chân thành yêu Tô Mạn. Nhưng mà, tôi cứ băn khoăn mãi, người phấn đấu mạnh mẽ như Lục Lệ Thành, gần như luôn chủ động xuất hiện mọi lúc mọi nơi với Tô Mạn từ đầu đến cuối, tại sao lại không thể nói nổi ba từ “anh yêu em” một cách thẳng thắn và đúng nghĩa nhất với cô? Người liều lĩnh điên cuồng như Lục Lệ Thành, dám tự ý đưa người ra chốn đồng không mông quạnh cùng mình, tại sao lại không thể đặt một nụ hôn lên môi của chính cô gái ấy? Lục Lệ Thành chủ động trong mọi tình huống, nhưng lại thụ động ở bước cuối cùng. Lục Lệ Thành nhanh chóng trong mọi tình huống, nhưng cũng lại chậm trễ ở bước cuối cùng. Thành thử, với Lục Lệ Thành, tôi đã mơ hồ nhận ra dấu hiệu của dang dở và lỡ làng ngay từ đầu truyện, tại chính ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, khi anh bất lực nhìn Tô Mạn gạt phắt bí mật của anh để khẳng định rằng cô yêu Tống Dực, và bí mật đó của Lục Lệ Thành, thực chất mới là bí mật duy nhất vĩnh viễn không bao giờ được phơi bày trong truyện.

Tuy vậy, Lục Lệ Thành vẫn là nhân vật có cá tính nổi trội nhất. Ở anh toát lên vẻ đẹp của một vầng trăng khuyết, dù khuyết như vẫn đẹp, hoặc chính vì cái khuyết dở đó nên anh mới đẹp, mới làm cho người đọc phải day dứt giữa bầu không khí tuyệt đối trọn vẹn mà câu chuyện mang lại. Nói cách khác, Lục Lệ Thành là một nốt trầm, một điểm tối, nhưng cũng chính là sự thật nghiệt ngã, đối lập và tương phản đến dữ dội với vẻ đẹp trường tồn bất tử nhưng phi thực tế của mối tình Tô Mạn – Tống Dực.

Vậy thì, có mâu thuẫn gì chăng, vì tôi đã bày tỏ từ đầu, rằng Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp đem đến cho tôi sự nhẹ nhàng thư thái sau khi gập sách lại? Thật ra, tôi thậm chí cho rằng, nếu kết cục của Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp trọn vẹn theo kiểu Tô Mạn về với Lục Lệ Thành, đó mới chính là một điều khiến người ta phải giằng xé. Dẫu biết chuyện tình Tô Mạn – Tống Dực quá ư hão huyền, thì ai trong chúng ta chẳng từng một lần cố chấp níu giữ cảm xúc tươi đẹp về một thời thanh xuân ngây ngốc với mối tình đầu trong vắt sương mai, nhất là khi mối tình đó lại là đơn phương? “Nếu đời đã không thể như mơ, vậy tại sao đến giấc mơ cũng không được như ý muốn?”, chẳng ai muốn rơi vào tình cảnh trớ trêu ấy, cũng như Tô Mạn, chúng ta tìm đến Bí Mật Bị Thời Gian Vùi Lấp, chẳng phải là để ngây ngốc tìm lại xúc cảm phi thực đã mất của mình hay sao? Nên khi Tô Mạn và Tống Dực được ở bên nhau, thì nỗi đau cũ của tôi sẽ được xoa dịu, và đồng thời, vẻ đẹp cũ của ký ức cũng sẽ ngưng kết thành vĩnh cửu.

Vậy, còn Lục Lệ Thành với vẻ đẹp khuyết dở của tôi thì sao, anh ta đóng vai trò gì bên lề câu chuyện tình đẹp như tranh vẽ của Tô Mạn? Tôi không chắc lắm, nhưng bằng cảm nhận cá nhân, tôi thấy anh ta như một cái bục. Nơi anh ta, tôi có thể an toàn tựa vào, bình tâm dõi theo và chấp nhận vẻ hoàn mỹ từ tình yêu Tô Mạn – Tống Dực. Đôi khi, người ta buộc phải bám chặt lấy hiện thực nghiệt ngã, để tiếp tục duy trì niềm tin vào vẻ đẹp không tưởng. Nếu tình yêu của Tô Mạn là một giấc mơ, thì tình yêu của Lục Lệ Thành mới là hiện thực. Mơ và thực, vốn dĩ chỉ nên song hành, chứ đừng nên nhập nhằng làm một!

Còn một điều dang dở sau cùng, nhưng rất may mắn, đã không có thêm ngoại truyện nào nữa để đắp vào chỗ khuyết ấy. Tôi nghĩ Đồng Hoa có một món nợ với Lục Lệ Thành và Ma Lạt Thang, nhưng tôi thành tâm hy vọng chị đừng bao giờ trả. Hãy để tôi được tự do lựa chọn kết cục cho họ, hai nhân vật tôi thật sự ấn tượng và yêu thích nhất trong câu chuyện. Với điều dang dở này, thật trùng hợp, cũng lại là một yếu tố khiến tâm hồn tôi được ung dung thư thái.

Mộc Hân,

Sài Gòn, 31/05/2013,

2:36 AM.

P/s: Đọc xong truyện này, tự dưng đâm ghiền “Đông Phong Phá” của Châu kiệt Luân.