Giãn cách xã hội thì đọc gì?

Hôm nay đã được một tuần từ ngày Sài Gòn lên chỉ thị 16, cũng là tròn sáu tuần mình tự cách ly ở nhà.

Vốn là một người hướng nội, việc ở nhà với mình cũng không đến nỗi quá tệ. Điều bận lòng duy nhất có lẽ là nỗi nhớ da diết những chuyến đi, mà trước dịch mình đã cố gắng kỷ luật mỗi tháng đều đi một lần, vì sợ không biết khi nào thì lại không được đi nữa, như lúc này!

Chỉ thị 16, tuy vậy, không thể phong tỏa luôn tâm trí của chúng ta. Mỗi người sẽ có một cách khác nhau vượt qua giai đoạn này, để duy trì và cân bằng cuộc sống, mà một trong những cách cổ điển nhất mình muốn chia sẻ ở đây chính là đọc sách!

Hôm nay mình lựa ra 5 cuốn sách, đại diện cho 5 hành trình tâm trí mà mình trải nghiệm khi ở nhà. Mọi người có thể không thích đọc sách, cũng có thể không thích những hành trình này, nhưng hy vọng chia sẻ của mình sẽ tạo được cảm hứng để mọi người tìm thấy hành trình phù hợp!

Cuốn thứ nhất: Khoa học về Yoga – Ann Swanson

Bạn có thể thích đọc sách, hoặc không; cũng có thể thích Yoga, hoặc không; nhưng quan trọng là luôn có cách để ta vận động mỗi ngày. Đừng quên vận động và tập luyện chính là điều quan trọng nhất cần phải duy trì trong những ngày tháng lockdown.

Với mình thì mình tập Yoga!

Mình chọn đọc cuốn sách này, trước hết vì nó đẹp! Một cuốn sách không chỉ ngập trong chữ và lý thuyết, mà mọi trang đều là hình vẽ các tư thế Yoga cơ bản với chi tiết về giải phẫu cơ thể người.

Hình thức của cuốn sách gợi nhớ đến những cuốn tập ghi chép môn Sinh Học đầy hình vẽ thời trung học, nhưng ở một cấp độ mỹ thuật chi tiết hơn rất nhiều. Nhìn cái bìa, đại khái mọi người cũng tưởng tượng được bên trong trông như thế nào.

Kèm theo từng hình ảnh là chú thích chi tiết, khoa học về các cơ quan và cơ chế kích hoạt của tư thế Yoga lên cơ quan đó. Nhờ vậy, mình có thể dễ dàng chọn ra tư thế phù hợp để luyện tập, và điều chỉnh sao cho đạt hiệu quả cao nhất tương ứng với thể trạng của mình.

Đây là một cuốn sách để thực hành, không phải chỉ để đọc. Và người viết cuốn sách này, không mấy ngạc nhiên, đã có một hành trình cuộc đời đầy thú vị trước khi tạo ra được content thực hành trực tiếp, khoa học và hiệu quả bằng hình thức viết sách này.

Một cô gái có bố làm việc cho NASA, bản thân thì theo học ngành nghệ thuật, nhưng sự va vấp sớm bởi đống lý thuyết quá nặng nề ở trường đại học đã thúc đẩy cô tìm đến Yoga nhưng một liệu pháp chữa trị, và hành trình nối dài đến tận dãy Himalaya, qua thêm mười năm tìm hiểu, nghiên cứu và thậm chí là học thạc sỹ chuyên ngành Yoga, trước khi cô viết ra cuốn sách này.

Luôn có một lý do cho một thành quả kết hợp nhiều yếu tố, mà trong trường hợp của suốn sách này là khoa học, mỹ thuật, và tính ứng dụng. Lý do đó chính là trải nghiệm cuộc đời nhuốm màu định mệnh, nhưng ở tận cùng nơi bắt đầu cuộc hành trình, luôn là tiếng gọi của giá trị cốt lõi và khát khao được đi đến tận cùng vấn đề tồn tại bên trong mỗi con người.

Cuốn thứ hai: Đông Dương tráng lệ – Pierre Dieulefils

Mỗi khi được ở một mình trong một thời gian đủ dài, mình hay nghĩ về chính mình như một lữ khách trong một chuyến đi dài từ quá khứ đến hiện tại, và tự hỏi bản thân muốn đi đến những đâu trong tương lai. Dòng suy tư ấy đến một cách rất tự nhiên trong điều kiện giới hạn kết nối với xã hội để tăng tính kết nối với bản thân, và mình biết là dòng chảy đó cũng sẽ đến với mọi người trong quãng thời gian giãn cách có cùng điều kiện này.

Cho nên, cuốn sách thứ hai, được viết bởi một người đàn ông sống cách đây khoảng 100 năm, sẽ đem đến hai góc nhìn thú vị: về những trăn trở tạo ra cuộc hành trình, và về những giá trị mà quá khứ có thể đem lại cho hàng chục năm về sau.

Đây là một cuốn sách ảnh, toàn bộ đều là ảnh đen trắng, chụp lại mọi khoảnh khắc về non nước, công trình, con người Việt Nam tại những nơi mà tác giả người Pháp có dịp đến thăm thú. Bất cứ ai ở Việt Nam khi đọc cuốn sách này đều sẽ tìm thấy vết tích quá khứ của một địa điểm quen thuộc nào đó, hoặc đôi khi chỉ là mỗi cái tên địa danh còn tồn tại đến tận ngày nay.

Cảm giác trực tiếp nhất mà những tấm ảnh đem lại chính là tác động khủng khiếp của thời gian, sự xoay vần liên tục cuốn theo lớp lớp thay đổi, không chừa lại bất cứ thứ gì nguyên vẹn thư nó đã từng. Bằng một cách nào đó, cảm giác này hóa ra lại đem đến một sự trấn an tinh thần, vì hiện tại cơn bão thay đổi đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết ở thời đại này.

Người đàn ông Pháp chụp nên những bức ảnh tráng lệ xứ Đông Dương cũng đã có một hành trình kỳ lạ. Vào những năm tháng trẻ trung nhất của cuộc đời, ông bị mắc kẹt trong quân ngũ nơi xứ lạ (Hà Nội), để rồi khi may mắn trở về được đất Pháp, ông lại quyết định quay trở lại Hà Nội, bắt đầu cuộc sống của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.  

Thật khó để có thể so sánh chuyện mắc kẹt hai năm trong quân ngũ với chuỗi ngày tự cách ly ở nhà vì dịch bệnh, nhưng nếu quãng thời gian ấy được tận dụng tốt để chiêm nghiệm, sau khi thoát ra trở lại, biết đâu lại là nơi một hành trình kì diệu hơn được bắt đầu.

Cuốn thứ ba: Bản Đồ – Aleksandra Mizielińska và Daniel Mizieliński

Mình mua cuốn sách này từ đợt giãn cách năm 2020 cách đây hơn 1 năm, lúc mua cũng không tưởng tượng được là tận một năm sau vẫn phải lật giở từng trang mà tiếc nuối cái thời còn được bay đi khắp nơi một cách dễ dàng.

Nếu bạn cũng như mình, đã từng có cơ hội được đi nhiều, và đang cảm thấy nhớ những chuyến đi đó, xem bản đồ cũng không hẳn là một ý tưởng quá cũ, dù là bản đồ gì!

Đây tiếp tục là một cuốn sách với phong cách minh họa bằng hình vẽ, và lần này hoàn toàn không có thông tin chú thích gì nhiều hơn là tên địa danh và từ khóa về các đặc điểm văn hóa, địa lý khu vực.

Đúng với tên gọi Bản Đồ, tập sách này là tổng hợp của 52 tấm bản đồ từ 52 quốc gia và khu vực chọn lọc, toàn bộ đều là bản in từ nét vẽ tay của các tác giả. Ngoài gợi mở kiến thức thường thức về địa lý và địa danh như mọi tấm bản đồ khác, nét vẽ tay trong cuốn bản đồ này trái lại mang rất nhiều dấu ấn mỹ thuật cá nhân. Nó thể hiện rõ nét góc nhìn cá nhân về những đối tượng thường thức, đem đến trải nghiệm khám phá thế giới bằng góc nhìn của người khác. Điều này khiến cho tính hoài niệm trong mình được thúc đẩy thành khát khao được tiếp tục khám phá lại một nơi nào đó đã từng đi qua, như khi mình nhìn thấy hình minh họa về trượt tuyết trên núi ở Thụy Sĩ, mình ngay lập tức có cảm giác muốn được trải nghiệm lại cái lần leo núi tuyết và xuống trạm lúc trăng non vừa qua khỏi rặng núi.

Một hệ quả tất yếu từ việc xem cuốn sách này từ năm ngoái, là ngay sau khi lệnh giãn cách được tháo dỡ, mình đã lên kế hoạch mỗi tháng đi trekking và cắm trại một lần, ở mọi nơi trong nước mà mình có điều kiện đi. Điều tất yếu tiếp theo là chỉ sau 4 chuyến đi như vậy, rất nhiều thay đổi tích cực đã xảy ra và tác động không nhỏ đến cuộc sống của mình.

Thật khó có thể diễn tả ở nơi bắt đầu, cái gì thúc đẩy mình quyết định đi nhiều hơn, nhưng việc đọc cuốn sách này có góp một phần cơ duyên trong đó.

Cuốn thứ tư: Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp

Mình mua cuốn sách này một cách rất tình cờ, khi đọc được câu chuyện ứng dụng mỹ thuật truyền thống vào minh họa đương đại của họa sĩ Tạ Huy Long (người minh họa cho cuốn sách) trên một fanpage Facebook về Mỹ Thuật. Cái tên “Lĩnh Nam Chích Quái” có thể không mấy quen thuộc với những ai không theo dõi cổ phong Việt Nam, nhưng nếu mình nhắc đến Lạc Long Quân, Âu Cơ, Mỵ Châu, Thánh Gióng, thì đó chính là những câu chuyện mà hầu hết mọi người đều biết, được kể lại bằng chữ và tranh minh họa trong cuốn sách này.

Lý do chính mình đem tựa sách này lên đây chia sẻ, thật ra không nằm ở nội dung cuốn sách. Vào cái hôm mình khoe cuốn sách với thằng cháu đang học tiểu học và hào hứng hỏi nó học “Con Rồng cháu Tiên” chưa, mặt nó lập tức đần ra trong 3 giây trước khi trả lời là chưa học!

Ở chính cái khoảnh khắc đó, mình nhận ra không phải cái gì tuổi thơ của mình có thì của những đứa nhóc cách mình hơn 20 năm cũng có. Phần khó khăn hơn, có lẽ là làm sao để biết được tuổi thơ của tụi nó có những gì mà mình không có!

Một trong những thay đổi rõ ràng nhất của giãn cách xã hội chính là thời gian tiếp xúc giữa các thành viên trong gia đình được tăng lên tối đa. Nó có thể là một món quà hay là bi kịch, tùy vào cách nhận thức và xử lý của mỗi người, nhưng dù là gì đi nữa thì khoảng cách giữa các bên luôn luôn tồn tại.

Đôi khi, tìm một cuốn sách có thể cùng nhau đọc, kể cho nhau nghe, lại giúp xóa bỏ phần nào những khoảng cách đó, gợi ra những cơ hội để hiểu nhau nhiều hơn, như cái cách mà mình hiểu được hóa ra đám cháu nhà mình chưa từng được nghe những câu chuyện thần thoại vậy.

Cuốn thứ năm: Chúa tể của những chiếc nhẫn – J.R.R. Tolkien

Nói về hành trình mà bỏ qua cuộc hành trình kỳ vĩ đậm tính sử thi trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” thì sẽ là một thiếu sót rất lớn. Nói về sức mạnh của tâm trí mà bỏ qua trường hợp này thì càng là một thiếu sót lớn hơn.

Trong số tất cả những cuốn tiểu thuyết mà mình từng đọc, chưa có trường hợp nào vượt qua được “Chúa tể của những chiếc nhẫn” về đỉnh cao sáng tác và sáng tạo, mạn phép so sánh luôn cả với những bộ trường ca đồ sộ nhất từ các nền văn hóa Hy Lạp, Đông Á, hay Ấn Độ. Chưa từng có một tác phẩm nào khác mà sự sáng tạo trong hư cấu đạt đến độ hoàn hảo như Chúa Nhẫn.

Một thiên trường ca hoàn toàn không có thật, nhưng có hệ thống nhân vật gắn với không gian lịch sử, văn hóa, thậm chí ngôn ngữ, một cách hòa hợp không tì vết. Thật khó tưởng tượng nổi phải là một bộ óc vĩ đại như thế nào và một tình yêu lớn như thế nào mới có thể sáng tạo ra được thế giới sống động và hoàn chỉnh như vậy.

Vì những lý do đó, J.R.R. Tolkien, xứng đáng được xem như Chúa Trời của dòng văn học kỳ ảo.

Lý do bộ tiểu thuyết này nằm ở cuối danh sách của ngày hôm nay, trước hết là vì nó minh chứng cho thấy sức mạnh tâm trí mà con người có thể đạt được khủng khiếp như thế nào. Nó có thể vẽ ra cả một thế giới không có thật bằng một cách như thật!

Nhưng cái thứ hai, đi vào trọng tâm đang được chia sẻ hơn, là một gợi ý mà mọi người có thể cân nhắc đến trong mùa dịch: học ngoại ngữ.

Tình yêu ngôn ngữ của J.R.R. Tolkien lớn đến mức ông tự sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của các tộc người trong truyện. Mình vốn không có được tình yêu lớn đến thế, nhưng chí ít mình được truyền cảm hứng để cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình. Đọc lại bộ Chúa Nhẫn bằng tiếng Anh sẽ là một thử thách khá nhọc nhằn, nhưng vì đang trong mùa dịch và không thể đi đâu, một hành trình ngôn ngữ nặng nhọc cũng là một ý tưởng đột phá.

Phần kết

Thì thật ra là, như mọi người cũng đã nhận thấy rồi, mình chia sẻ 5 cuốn sách, không đơn thuần chỉ là cụ thể 5 cuốn sách đó. Cái cốt lõi mà mình muốn gợi ý là những hoạt động mà mọi người có thể tập trung trong khoảng thời gian ở nhà này:

  • Tập luyện sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu, vì sẽ không có một thể chất bệ rạc nào có thể chứa được một cái đầu minh mẫn.
  • Tự kết nối với chính bản thân bằng cách chiêm nghiệm về quá khứ, liên kết với hiện tại, và lên kế hoạch cho tương lai là điều tiếp theo không thể bỏ qua, đặc biệt trong lúc mà chúng ta tạm thời tắt bớt các kết nối với xã hội để có thể lắng nghe chính mình nhiều hơn.
  • Duy trì sở thích của bản thân, dù đó có thể là một sở thích mà hiện tại mình khó lòng làm gì khác hơn là lên kế hoạch, để sẵn sàng quay trở lại ngay khi có thể.
  • Sử dụng quãng thời gian chung sống với các thành viên khác trong gia đình một cách hiệu quả, tìm hiểu nhau nhiều hơn, trao cho nhau nhiều câu chuyện và cơ hội hơn, giúp nhau xóa bỏ đi những khoảng cách.
  • Cuối cùng, hãy tìm thêm một “hành trình” mới mẻ có tính thử thách cao để làm, để đến khi hết dịch, chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện và mạnh mẽ hơn. Biết đâu được, những cơ hội mới cũng sẽ bất ngờ tìm đến!

Chúc mọi người sớm tìm được lộ trình phù hợp, và cố gắng trải nghiệm giai đoạn này tích cực nhất có thể! Cùng nhau mạnh mẽ hơn nữa nào!

Mộc Hân,

Sài Gòn – những ngày giãn cách

Chúa Nhật, Ngày 18 Tháng 7, năm 2021

Tác giả: Mộc Hân

"Phiến đá người thợ xây loại bỏ, sẽ trở nên đá tảng góc tường." "The stone that the builders rejected has become the cornerstone" Kinh Thánh Tân Ước - The New Testament - Matthew 21, 42

Bình luận về bài viết này